Đề xuất người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm trước khi quảng cáo

Theo dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo, người có ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến về mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội phải trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Nội dung trên đề cập tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37, sáng 24/9.

Trình bày tờ trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự án Luật bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các trách nhiệm như: Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu...

"Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Thẩm tra nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Song, cơ quan thẩm tra đề nghị cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: quochoi.vn)

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhận định dự án Luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.

"Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Một trong những nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được các đại biểu quan tâm là nâng thời gian chờ quảng cáo từ 1,5 giây hiện hành lên 6 giây, đồng thời quy định không được quá 2 lần quảng cáo liên tiếp. Dự thảo cũng yêu cầu cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp.

Cho ý kiến về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, việc điều chỉnh gấp 4 lần (1,5 giây lên 6 giây) cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để bảo đảm khách quan, thuyết phục hơn.

"Giữ như quy định hiện hành đã thấy bức xúc rồi, giờ tăng lên gấp 4 lần thì cần phải cân nhắc", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hình thức quảng cáo pop-up (hộp thoại quảng cáo tự động bật lên khi người dùng mở trình duyệt hoặc truy cập vào website ) không phải là phương thức quảng cáo duy nhất trên mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. (Ảnh: quochoi.vn)

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo với mục tiêu lớn nhằm đưa việc quản lý Nhà nước về quảng cáo lên cùng một mặt bằng giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Do đó, quy định sẽ được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay, thời gian chờ tắt quảng cáo trên các dịch vụ xuyên biên giới phổ biến như YouTube đều hiển thị là 6 giây.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/de-xuat-nguoi-noi-tieng-phai-truc-tiep-su-dung-my-pham-thuc-pham-truoc-khi-quang-cao-ar897878.html
Zalo