Thổi phồng quảng cáo 'chữa được bách bệnh', xử lý thế nào?
Đánh giá việc quảng cáo không đúng sự thật diễn ra khá phổ biến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề xử lý, kiểm soát, quy định trách nhiệm ra sao.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, lần sửa đổi này có đưa ra yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng.
Thảo luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, việc quảng cáo không đúng sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng diễn ra khá phổ biến. Một số trường hợp dẫn đến người tiêu dùng tin, mua sử dụng sản phẩm, vừa tốn tiền mà không mang lại lợi ích.
Ông Tùng đặt vấn đề: Xử lý, kiểm soát, thống kê, theo dõi, quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với vấn đề này như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu phản ánh về tình trạng quảng cáo thổi phồng mọi thứ, tác dụng ít nhưng quảng cáo cứ như chữa được bách bệnh. Ông Thanh đề nghị xem trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm.
Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải quan tâm đến tình trạng quảng cáo theo kiểu người nổi tiếng đi ăn uống, rồi đánh giá, giới thiệu quán ăn, cửa hàng. Bà Hải đề nghị cần quan tâm đến vấn đề này để quy định sao cho hiệu quả.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị tiếp tục rà soát các lĩnh vực, phương tiện, phương thức, cách thức để nhận diện bao quát hơn hoạt động quảng cáo, dự lường được những phát sinh trong thực tiễn và tương lai.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung trách nhiệm của các bộ có liên quan, như: Bộ Công Thương, Bộ Công an và các bộ khác để bảo đảm các yêu cầu về an ninh tư tưởng, văn hóa và an ninh kinh tế…