Đề xuất nâng mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cơ sở

Theo đại biểu Quốc hội, hiện nay, mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cấp cơ sở rất thấp, gây khó khăn cho hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia.

Bổ sung quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn

Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn(Điều 31), trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 theo hướng: Bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (khoản 1); rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn (khoản 2).

Đồng thời, không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn” (khoản 4); giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (khoản 5).

Về tài sản công đoàn (Điều 32), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Theo khoản 1 Điều 3, Điều 28 và Điều 68 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nguồn hình thành tài sản công tại tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Tài sản bằng hiện vật do Nhà nước giao, tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, từ nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh các tài sản được hình thành từ nguồn tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật, tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, tài sản của công đoàn còn được hình thành từ nguồn vốn của Công đoàn, tài chính công đoàn, nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, nguồn hỗ trợ của người sử dụng lao động và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay, không phân biệt được sở hữu Nhà nước, sở hữu Công đoàn và do lịch sử để lại cũng khó có thể tách bạch tài sản của Nhà nước, việc liệt kê tài sản của Công đoàn rất khó. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý theo hướng liệt kê cụ thể tài sản của công đoàn và thể hiện tại khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật.

Đề xuất nâng mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cơ sở

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương - cho hay, hiện nay, mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cấp cơ sở rất thấp, gây khó khăn cho hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia tổ chức Công đoàn cấp cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương

Theo đại biểu, tuy dự thảo luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu tài chính Công đoàn nhưng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm, nâng mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cơ sở để phù hợp với trách nhiệm và tình hình hiện tại.

Về bảo đảm hoạt động của Công đoàn, đại biểu Trần Kim Yến - đoàn TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, các điều khoản trong dự thảo luật đã quy định về tổ chức, bộ máy, cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất và tài chính. Đây là những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Theo đại biểu, một số nội dung này trong dự thảo luật chưa bao quát hết và nên phân chia rõ về tổ chức bộ máy Công đoàn và tài chính, tài sản Công đoàn.

Về cán bộ Công đoàn chuyên trách, theo đại biểu, cần có quy định sự chủ động về biên chế, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách theo số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn và khả năng chi trả lương từ nguồn tài chính công đoàn.

Đại biểu dẫn chứng có Công đoàn cấp huyện quản lý hơn 2.000 Công đoàn cơ sở và gần 150.000 đoàn viên Công đoàn nhưng chỉ có 13 cán bộ Công đoàn, sẽ rất khó cho hoạt động và chất lượng.

Cũng theo đại biểu, dự thảo luật quy định với việc đầu tư nhà ở xã hội, công trình văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phục vụ cho đoàn viên Công đoàn và người lao động. Đây là một nội dung mới mà Quốc hội, Chính phủ giao cho Công đoàn.

Tuy nhiên, nếu chỉ ghi ngắn gọn như vậy trong dự thảo luật và không được cụ thể hóa chi tiết rõ ràng hơn, sẽ rất khó cho tổ chức Công đoàn khi triển khai thực hiện. “Như vậy, nếu lúc làm sẽ phải đi xin các bộ, ngành; kéo dài thời gian, chậm tiến độ thực hiện” - đại biểu nói.

Đại biểu Dương Văn Phước - đoàn Quảng Nam - nhận xét, hiện nay, số lượng biên chế được giao cho Công đoàn ít, trong khi đoàn viên Công đoàn, viên chức, lao động liên tục tăng, các liên đoàn lao động tiếp tục phát triển. Như vậy, việc quản lý không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ Công đoàn chuyên trách.

Đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở.

Nói về quyền của đoàn viên Công đoàn, đại biểu Dương Văn Phước cho biết, dự thảo chưa quy định về quyền của đoàn viên được hưởng các thiết chế văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này và viết theo hướng đoàn viên được hưởng chính sách chăm lo, phúc lợi, thuê nhà ở, các thiết chế văn hóa thể thao có liên quan.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-nang-muc-phu-cap-cho-can-bo-cong-doan-co-so-354428.html
Zalo