Có cơ sở để kỳ vọng đến hết năm 2025, quy mô GDP Việt Nam xếp hạng 31-33 thế giới

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Sang năm 2025, mục tiêu là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025, Việt Nam xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP. Giới chuyên gia khẳng định, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng Việt Nam đạt được mục tiêu này.

Tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Ảnh minh họa

Tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Ảnh minh họa

Đưa “cỗ xe” kinh tế Việt Nam năm 2024 về đích thắng lợi

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm 2024 có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 01/7/2024). Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thủ tướng, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm… Theo đó, trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Chúng ta đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về vấn đề này, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh: Để đưa “cỗ xe” kinh tế Việt Nam năm 2024 về đích thắng lợi, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo thúc đẩy và phát huy hiệu quả cao nhất các động lực tăng trưởng. “Trong 3 “Ngựa kéo” cỗ xe kinh tế năm 2024, các nhà quản lý chỉ có thể chủ động cao nhất trong điều khiển “Ngựa đầu tư” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu” - ông Lâm chỉ rõ.

Đối với động lực tiêu dùng, ông Lâm khuyến nghị Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch... Bên cạnh đó, để phát huy tối đa động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt…

Nhiều nền tảng giúp Việt Nam tự tin phát triển bền vững

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, người đứng đầu Chính phủ cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025 là: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%... Để đạt được các chỉ tiêu này, Chính phủ đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025.

Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 346 tỷ USD, xếp thứ 37 trên thế giới năm 2020 lên 433 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm ở nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam - TS. Dorsati Madani - khẳng định, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong 2 năm 2025 và 2026 vẫn tích cực với mức tăng trưởng dự báo cả hai năm đều là 6,5% so với mức dự kiến của năm 2024 là 6,1%.

GS. Peter J. Morgan - Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ABDI) - đánh giá, điểm tích cực là Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt tạo tiền đề cho thương mại phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng và từ đó phát triển nền kinh tế mạnh hơn.

Chia sẻ bên hành lang Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nhìn một cách tổng thể, kinh tế vĩ mô nước ta ổn định khá bền vững trong một thời gian dài, lạm phát kiểm soát ở mức 4% từ năm 2014 đến nay; đồng thời, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, cán cân thương mại liên tục thặng dư xuất siêu từ năm 2016 đến nay. Những nền tảng này giúp chúng ta tự tin phát triển một cách bền vững.

Theo phân tích của ông Ngân, chúng ta đã tăng đầu tư công, đầu tư phát triển. Nếu giai đoạn 2011-2015, đầu tư công chỉ khoảng 900.000 tỷ đồng, thì giai đoạn 2016-2020, đầu tư công đã tăng lên 2.000.000 tỷ đồng và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Với khối lượng đầu tư công như vậy, chúng ta đã tạo được nền tảng là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được gia cố và tăng cường thêm.

“Đầu tư công của năm 2024 sẽ giải ngân khoảng 680.000 tỷ đồng, năm 2025 dự kiến phân bổ 790.000 tỷ đồng, tức là tăng thêm 110.000 tỷ đồng. Đây là những nền tảng cơ bản để phát triển. Bởi, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ là nền móng để tạo bứt phá và phát triển. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng đến quy mô kinh tế như Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội” - ông Ngân tin tưởng./.

SONG HỒNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/co-co-so-de-ky-vong-den-het-nam-2025-quy-mo-gdp-viet-nam-xep-hang-31-33-the-gioi-35768.html
Zalo