Đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5 - 7%
Chính phủ đề xuất tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5-7% và và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 7-7,5% để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.
Ngày 30/9, tại TP.HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đưa ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 7-7,5% để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.980 -5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,78%...
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đề ra 12 giải pháp chủ yếu như: ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
Các giải pháp khác như tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng chiến lược đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển liên kết vùng…
“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm, là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng và phải củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. Vì vậy, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, lấy phát triển để ổn định, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương với kết quả đạt được từ năm 2021 đến nay và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 sẽ đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025 do Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Đồng thời, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng khác, nhất là nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn nhiều phạm vi cho phép.
Đặc biệt là đưa vào sử dụng hơn 3.000 km đường bộ cao tốc, vượt mục tiêu đề ra; bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đưa vào vận hành hạ tầng nguồn điện và lưới điện truyền tải đồng bộ, hiện đại; thực hiện tăng lương, tăng trợ cấp cho người có công, lương hưu, bảo trợ xã hội và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động 6-7%/năm…
Riêng một số chỉ tiêu liên quan đến GDP, nhất là tốc độ tăng GDP khó đạt do bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước diễn biến rất phức tạp, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo.
Hơn nữa, nền kinh tế bị tác động sâu sắc bởi những yếu tố bất lợi từ bên ngoài, nhất là đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, cạnh tranh nước lớn, xung đột quân sự tại các khu vực làm giá đầu vào nguyên liệu diễn biến bất thường…
Trong phiên thảo luận, ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, năm 2025 dự báo là năm vẫn rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Hoàng Anh cho rằng, để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ phải tập trung tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài Nhà nước.
Đồng thời, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đặc biệt là phải tăng kích cầu tiêu dùng trong nước.