Đề xuất mở rộng cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên theo phương thức PPP

Công ty Phương Thành Tranconsin vừa đề xuất Bộ Xây dựng cho phép lập dự án mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên theo hình thức PPP với hai phương án đầu tư, trong đó có phương án mở rộng đồng bộ toàn tuyến đến Bắc Kạn, có tổng vốn gần 16.800 tỉ đồng.

Công ty Phương Thành Tranconsin đề xuất mở rộng cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên theo phương thức PPP. Ảnh: TL

Công ty Phương Thành Tranconsin đề xuất mở rộng cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên theo phương thức PPP. Ảnh: TL

Công ty Phương Thành Tranconsin vừa đề xuất Bộ Xây dựng cho phép lập dự án đầu tư mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên theo hình thức đối tác công tư (PPP), baochinhphu.vn đưa tin.

Doanh nghiệp cho biết tuyến nối sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với Hà Nội đang được đề xuất đầu tư, trong đó có 8km trùng với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn Ninh Hiệp - Vành đai 3). Trên cơ sở đó, Phương Thành Tranconsin đề xuất 2 phương án mở rộng đoạn tuyến này.

Phương án 1, doanh nghiệp sẽ mở rộng đoạn Vành đai 3 - Tân Lập lên 6 làn xe, dài gần 64km. Tổng vốn đầu tư khoảng 6.790 tỉ đồng (gồm cả lãi vay), không cần hỗ trợ từ Nhà nước; cam kết hoàn thiện hồ sơ trước 31-8, thi công năm 2026, khai thác từ năm 2027.

Phương án 2, công ty sẽ mở rộng đồng bộ toàn tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn, khi tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn đang xây dựng và dự kiến hoàn thành năm 2026. Theo đó, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên mở rộng lên 6 làn, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới lên 4 làn.

Tổng chiều dài hơn 100km, tổng vốn gần 16.800 tỉ đồng. Trong đó, hơn 10.000 tỉ đồng dành cho đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, hiện chỉ có 2 làn xe, giao thông tổ chức như quốc lộ và đang đầu tư theo hình thức BOT không hiệu quả, nhà đầu tư đề xuất Nhà nước mua lại.

Để khả thi cho phương án 2, dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ mở rộng đoạn Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe, thi công năm 2026, khai thác từ năm 2027.

Giai đoạn 2, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được mở rộng lên 4 làn xe, hoàn thành năm 2028, đưa vào khai thác năm 2029.

Doanh nghiệp đề xuất Nhà nước hỗ trợ hơn 5.360 tỉ đồng (hơn 33% tổng vốn), trong đó gần 600 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 và khoảng 4.780 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng và xây dựng giai đoạn 2.

Phương Thành Tranconsin đánh giá phương án 2 giúp tiết kiệm chi phí so với đầu tư công, chỉ cần hơn 5.360 tỉ đồng để có hơn 100km cao tốc 4 - 6 làn xe, và đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lập đề xuất dự án theo hình thức PPP.

Trước đó, ngày 13-5, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, giao Bộ Xây dựng chủ trì xem xét đề xuất.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài gần 71km, gồm đoạn Ninh Hiệp - Tân Lập dùng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng Việt Nam; đoạn Tân Lập - Tân Long dùng vốn trái phiếu chính phủ, đưa vào khai thác từ năm 2014.

Hiện tại, tuyến chưa đạt quy mô theo quy hoạch gồm đoạn Hà Nội - Sóc Sơn có 4 làn, tốc độ 100km/h; đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên chỉ có 2 làn, dù đã sơn vạch thành 4 làn; đoạn Tân Lập - Tân Long đạt 4 làn, tốc độ 100km/h.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng phải đạt 4-6 làn xe, trong đó đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đạt 6 làn và hoàn thành trước năm 2030. Thái Nguyên cũng được định hướng là trung tâm công nghiệp, phát triển du lịch, do đó việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc này là rất cần thiết.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-mo-rong-cao-toc-ha-noi-thai-nguyen-theo-phuong-thuc-ppp/
Zalo