Tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ: Bảo đảm giảm đầu mối, tinh gọn

Việc sửa đổi các điều quy định trong Hiến pháp nhằm khắc phục tình trạng hệ thống các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp; có lúc, có nơi chưa thực hiện sâu sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân chưa kịp thời.

Ngày 23/5/2025, tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam, Hiệp hội máy thiết bị văn phòng Việt Nam tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam cho biết, hiện nay, dự thảo Nghị quyết và dự thảo luật đang được Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định thông qua. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp.

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Về sửa đổi các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức thành viên (sửa đổi, bổ sung điều 9 và 10 Hiến pháp). Theo các đại biểu, việc sửa đổi các điều này nhằm khắc phục tình trạng hệ thống các tổ chức thành viên của MTTQ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp; có lúc, có nơi chưa thực hiện sâu sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân chưa kịp thời.

Để không còn tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức; nguyên tắc hiệp thương dân chủ - một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của MTTQ vẫn chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Cho nên cơ bản các đại biểu tán thành các sửa đổi liên quan đến MTTQ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý thêm về việc khẳng định lại vị trí của MTTQ và sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Dự thảo khẳng định MTTQ là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo… Các đại biểu cho rằng, phải xác định đây không chỉ là bộ phận mà còn là bộ phận quan trọng, nền tảng của hệ thống chính trị… Như thế MTTQ mới là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.

Liên quan đến nội dung quy định “các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc MTTQ,… phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ, có ý kiến đại biểu bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng có ý kiến đại biểu bày tỏ sự băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, bản chất của MTTQ là liên minh chính trị, liên hợp tự nguyện, không mang tính chất cấp trên, cấp dưới.

Thậm chí có đại biểu cho rằng, việc quy định trực thuộc thì có phải thêm cấp hành chính hay không?

Tuy nhiên các đại biểu cho rằng, dự thảo quy định cụm từ này là phù hợp với tư tưởng tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm bớt đầu mối, đúng với chủ trương của Đảng tại Kết luận 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là “Sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, dự thảo quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc là phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hôm họp với đoàn chủ tịch thì ông được giải thích trực thuộc là mặt hành chính để tinh gọn bộ máy, còn hoạt động của các tổ chức là có độc lập tương đối với MTTQ, bảo đảm sự liên minh…

Còn ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, dùng từ “trực thuộc” không ảnh hưởng tới hoạt động mang tính tương đối độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội vẫn hoạt động bình thường, đều nằm trong sự chỉ đạo chung của Đảng bộ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

“Nhiều người băn khoăn về vấn đề trực thuộc, e ngại nguy cơ hành chính hóa, song tôi nghĩ khi các tổ chức chính trị - xã hội về MTTQ lại chính là đang khắc phục hành chính hóa trong hoạt động”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thể hiện sự tán thành khi đã là trực thuộc và dưới sự chủ trì của MTTQ thì chỉ có một đầu mối tổ chức là MTTQ trình dự án luật.

Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, các tổ chức chính trị xã hội đưa vào trong Hiến pháp có nên không? Phản bác lại ý kiến này, một số đại biểu lập luận, khi các tổ chức chính trị - xã hội đưa vào trong Hiến pháp mà do yêu cầu hoạt động mà đổi tên, ví dụ như Hội Cựu chiến binh đổi tên là Hội cựu Quân nhân; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đổi tên là Tổng Công đoàn,… hoặc khi có tổ chức khác ví dụ như Hội Cựu sỹ quan Công an Nhân dân nếu được công nhận là tổ chức chính trị xã hội thì lại phải sửa Hiến pháp?

Góp ý về nội dung khoản 3, Điều 9 bổ sung quy định “các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của mỗi tổ chức”, các đại biểu đề nghị giữ nguyên. Theo các đại biểu, bản thân các tổ chức khi thành lập đều phải hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ.

Liên quan đến nội dung chất vấn với chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, ông Trần Ngọc Đường cho hay, không vì thành lập chính quyền địa phương hai cấp mà bỏ quyền chất vấn của Hội đồng nhân dân đối với tòa án và viện kiểm sát. “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đóng trên địa bàn xã của tôi thì Hội đồng nhân dân phải có quyền chất vấn những vấn đề liên quan, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống…”, ông Đường nêu quan điểm.

Quang Tuấn - Hoàng Thuyên/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-truc-thuoc-mttq-bao-dam-giam-dau-moi-tinh-gon-post1201670.vov
Zalo