Đề xuất lập cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc Bộ Công an

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nhận định hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức, gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, uy tín doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân

Chiều 12.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nhiều tổ chức doanh nghiệp thu thập ‘thừa’ dữ liệu cá nhân

Thảo luận tại tổ, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh việc xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là cần thiết.

Theo ông Trần Quốc Tỏ, dữ liệu cá nhân là tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đổi mới sáng tạo, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự. Hiện nay, trong hệ thống pháp luật của chúng ta có tới 68 văn bản pháp luật liên quan trực tiếp tới bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa đổi.

 Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ. Ảnh: PHẠM THẮNG

"Hiện chưa có chế tài hình sự điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua, bán dữ liệu cá nhân, cũng như chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân"- ông Tỏ nói.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay thời gian qua đã có nhiều tổ chức doanh nghiệp thu thập "thừa" dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Các hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân của các tổ chức, cá nhân và của các đối tượng xấu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đã xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ông Tỏ nhận định trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng hiện nay, tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng, dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai, hoặc sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, vu khống, hạ nhục người khác…

Cùng với đó, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, uy tín doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Lập cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc Bộ Công an

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay dự thảo luật cũng đã quy định về chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định giữa Luật Dữ liệu và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về quy định thành lập cơ quan chuyên trách, lực lượng chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân thuộc Bộ Công an, ông Tỏ cho biết việc này nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, huy động các nguồn lực bảo vệ dữ liệu cá nhân, gắn trách nhiệm bảo vệ phù hợp với vai trò của từng lực lượng, đồng thời cũng không làm phát sinh bộ máy, con người.

"Nghị định 13 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã quy định Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an là cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân"- ông Tỏ nói thêm.

Đề xuất phạt từ 1- 5% doanh thu với tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Dự thảo luật đề xuất nghiêm cấm các hành vi mua bán dữ liệu cá nhân, thu thập trái phép, chiếm đoạt, làm lộ dữ liệu cá nhân và lợi dụng dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật…

Về chế tài xử phạt, Chính phủ đề xuất phạt hành chính từ 1- 5% doanh thu năm liền trước đối với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Quy định nói trên được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến. Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk Nguyễn Thu Nguyệt cho rằng 1- 5% doanh thu là khoản tài chính rất lớn, trong khi đó, doanh thu của doanh nghiệp có thể không chỉ đến từ dữ liệu cá nhân. Từ phân tích trên, đại biểu Đắk Lắk đề nghị chỉ nên phạt phần doanh thu từ vi phạm liên quan tới dữ liệu.

Tương tự, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Lào Cai Sùng A Lềnh đề nghị làm rõ cách tính doanh thu làm căn cứ để xử phạt doanh nghiệp vi phạm. Ông cũng đề nghị nêu rõ cơ quan có trách nhiệm xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nêu ý kiến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết rất khó bóc tách phần vi phạm để xử lý riêng. Hơn nữa, việc xử phạt theo % được nhiều quốc gia áp dụng.

"Việc quy định xử phạt theo tỷ lệ phần trăm là phù hợp luật Xử lý vi phạm hành chính và thông lệ quốc tế"- ông Tỏ nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-lap-co-quan-chuyen-trach-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-thuoc-bo-cong-an-post849388.html
Zalo