Đề xuất làm rõ cơ chế, trách nhiệm thu giữ tài sản bảo đảm
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Các đại biểu đề nghị làm rõ cơ chế, trách nhiệm thu giữ tài sản bảo đảm.
Cần có cơ chế xử lý việc thu giữ tài sản bảo đảm

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) bày tỏ thống nhất với quy định: “Ngân hàng nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng nhà nước là 0%/năm”.
Về thẩm quyền quyết định cho vay, lãi suất và tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, quy định này điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với khoản vay lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tín dụng bảo đảm từ thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng nhà nước, là hợp lý, nhằm giảm thời gian xử lý, ra quyết định, đồng thời gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát của ngân hàng. Việc phân cấp phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.
Liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, chưa có cơ chế xử lý mạnh về việc thu giữ tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu thì rất khó khả thi; đề nghị cần có quy định về các biện pháp xử lý khi bên thu giữ và người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm cho các tổ chức cho tổ chức tín dụng.
Cho rằng việc Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng là rất cần thiết, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hoạt động ngân hàng luôn đối mặt với các rủi ro thanh khoản có diễn biến rất nhanh và trên quy mô lớn. Thực tế cũng cho thấy, rủi ro rút tiền hàng loạt không chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại yếu kém mà các ngân hàng thương mại có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ rút tiền hàng loạt do các sự cố khách quan.
Nêu ví dụ về trường hợp Ngân hàng Silicon Valley Bank - SVB của Mỹ, vào đầu năm 2023, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, việc sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, internet banking hoặc các ứng dụng điện tử khác cũng khiến sự cố rút tiền hàng loạt có thể diễn ra nhanh hơn. Do đó, việc hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua cho vay đặc biệt cần được quyết định một cách nhanh nhất. Vì vậy, việc xem xét chuyển thẩm quyền từ Thủ tướng Chính phủ thành Ngân hàng Nhà nước sẽ đáp ứng được yêu cầu nhanh chóng, khẩn cấp này trên thực tế.
Làm rõ cơ chế, trách nhiệm thu giữ tài sản bảo đảm
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, việc trao quyền cho tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần thông qua phán quyết của tòa án, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu.
Thực tế ở nước ta, nhiều tài sản bảo đảm không đơn thuần là vật thế chấp mà còn gắn liền với đời sống dân sinh như nhà ở có người cư trú lâu dài, tài sản thừa kế đang tranh chấp, hay phương tiện mưu sinh duy nhất của hộ gia đình. Nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, việc tổ chức tín dụng tiến hành thu giữ trực tiếp, dù có thông báo trước, có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt khi xảy ra mâu thuẫn giữa bên bảo đảm và người đồng sở hữu hoặc cư trú thực tế. "Việc này tiềm ẩn khả năng vi phạm quyền lợi của các bên liên quan vốn không có tiếng nói trong hợp đồng bảo đảm ban đầu", đại biểu Nguyễn Như So lưu ý.
Trong khi các cơ quan thi hành án hiện hành vẫn đang đảm nhiệm vai trò trung gian, đảm bảo tính khách quan và hòa giải trong quá trình cưỡng chế tài sản, việc trao toàn quyền thu giữ cho bên nhận bảo đảm, vốn cũng là bên có lợi ích trực tiếp trong giao dịch, có thể làm mất đi yếu tố công bằng, làm nghiêng cán cân giữa quyền lực tài chính và quyền dân sự.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cân nhắc bổ sung cơ chế giám sát độc lập hoặc bắt buộc có sự tham gia của cơ quan tư pháp, nhằm tránh lạm dụng quyền thu giữ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, đặc biệt trong các trường hợp tài sản bảo đảm có yếu tố cư trú, sinh kế hoặc tranh chấp phát sinh.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Như So cũng đề nghị xem xét lại tính khả thi của quy định giao trách nhiệm cho UBND cấp xã và cơ quan Công an cấp xã tham gia quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. Thực tế, các cơ quan này không có chức năng, thẩm quyền cũng như không được tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến hợp đồng bảo đảm, khoản nợ xấu, hay quyền sở hữu của tài sản bị thu giữ.
"Như vậy, trong quá trình thực thi, liệu UBND và Công an cấp xã có cần tiến hành xác minh rằng tài sản bị thu giữ thực sự là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu? Họ có đủ cơ sở để xác định chủ sở hữu, hiện trạng pháp lý hay tình trạng tranh chấp liên quan đến tài sản hay không? Nếu không có cơ chế hướng dẫn rõ ràng, việc yêu cầu cán bộ cấp xã “chứng kiến và ký biên bản thu giữ” có thể dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng như một hình thức “hợp pháp hóa” cho hành vi cưỡng chế từ phía tổ chức tín dụng, trong khi cơ quan cấp xã không có khả năng kiểm chứng", đại biểu Nguyễn Như So nêu.
Mặt khác, theo đại biểu, quy định này cũng đặt ra gánh nặng không nhỏ về nguồn lực và trách nhiệm cho cấp cơ sở, vốn dĩ đang bị quá tải trong công tác quản lý hành chính địa bàn. Khi đặt UBND và Công an xã vào vị trí trung gian giữa một bên là tổ chức tín dụng và một bên là người dân có nguy cơ mất tài sản, nhưng lại không có quyền tài phán và công cụ pháp lý tương xứng thì dễ dẫn đến xung đột, khiếu nại, thậm chí làm phát sinh trách nhiệm ngoài mong muốn cho cán bộ địa phương.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần làm rõ ranh giới trách nhiệm của các cơ quan trên, giới hạn vai trò ở mức bảo đảm trật tự an toàn khu vực theo đúng chức năng quản lý hành chính, tránh trao quyền hoặc buộc phải thực hiện trách nhiệm pháp lý vượt quá phạm vi chuyên môn và thẩm quyền được giao.