Đề xuất kết hợp ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ trực tiếp với lĩnh vực báo chí

Đại biểu Quốc hội đề nghị bên cạnh miễn, giảm thuế đối với lĩnh vực báo chí, cần có quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong báo chí, hỗ trợ chi phí đào tạo, công nghệ và chuyển đổi số cho các cơ quan nhỏ, địa phương.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 12/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 4 chương và 21 điều.

Trong đó, về ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực được đại biểu Quốc hội quan tâm, đối với lĩnh vực báo chí, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh, quy định tại điểm v khoản 2 Điều 12 của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đưa báo chí, bao gồm cả quảng cáo trên báo vào đối tượng được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là một bước tiến quan trọng, có tính hỗ trợ chiến lược với ngành báo chí Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, chuyển đổi số, và đối mặt với thách thức thị trường.

“Ngành báo chí hiện đang phải đối mặt với sự suy giảm doanh thu nghiêm trọng, đặc biệt là quảng cáo truyền thống do sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng số như Google, Facebook… Việc bổ sung báo chí vào diện ưu đãi thuế giúp giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện để cơ quan báo chí tiếp tục duy trì nhiệm vụ chính trị - xã hội”, Đại biểu nói.

Khẳng định báo chí là một ngành không đơn thuần là kinh doanh, mà còn thực hiện chức năng thông tin, giáo dục, định hướng dư luận xã hội, phản biện chính sách, giữ vai trò quan trọng trong ổn định chính trị và phát triển văn hóa, Đại biểu Thạch Phước Bình nhận định, ưu đãi thuế là một hình thức hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước cho hoạt động phục vụ công, phù hợp với bản chất báo chí cách mạng.

Nguồn lực tài chính từ việc được giảm thuế có thể được các cơ quan báo chí tái đầu tư cho hạ tầng công nghệ, nâng cấp hệ thống CMS, số hóa nội dung, đào tạo nhân sự…Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng nội dung, khả năng cạnh tranh với truyền thông xã hội và nền tảng xuyên biên giới.

“Quy định này phản ánh việc tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí đã nhiều lần kiến nghị trong các kỳ họp gần đây. Đặc biệt, trong các buổi góp ý luật, nhiều cơ quan báo chí đề xuất được đối xử công bằng hơn về thuế khi thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội nhưng vẫn phải gánh nặng nghĩa vụ thuế như doanh nghiệp thương mại”, Đại biểu cho hay.

Bên cạnh đó, để tối ưu hóa quy định, Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần rà soát lại định nghĩa “báo chí” được hưởng ưu đãi.

Theo đó, cần quy định rõ ràng phạm vi áp dụng là chỉ áp dụng với cơ quan báo chí được cấp phép hoạt động theo Luật Báo chí, tránh bị lợi dụng bởi các tổ chức truyền thông trá hình. Xác định rõ liệu nội dung quảng cáo trên báo điện tử cũng được hưởng ưu đãi hay không.

Cùng với đó, cần gắn ưu đãi với hiệu quả hoạt động xã hội; cần đưa ra các tiêu chí kiểm soát như tỷ lệ nội dung thông tin chính thống, chất lượng sản phẩm báo chí, hoặc việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, Đại biểu đề nghị cần kết hợp ưu đãi thuế với chính sách hỗ trợ trực tiếp. Bên cạnh miễn/giảm thuế, cần có quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong báo chí, hỗ trợ chi phí đào tạo, công nghệ, và chuyển đổi số cho các cơ quan nhỏ, địa phương.

Minh Khôi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/de-xuat-ket-hop-uu-dai-thue-va-chinh-sach-ho-tro-truc-tiep-voi-linh-vuc-bao-chi-post548105.html
Zalo