Đề xuất hỗ trợ học phí ngoài công lập trả trực tiếp cho người học
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề xuất chi trả tiền hỗ trợ học phí cho người học ngoài công lập trực tiếp qua cha mẹ, người giám hộ…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngân sách ước tính cho năm học 2025 – 2026 là trên 30 nghìn tỉ đồng
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tại phiên họp, nghị quyết này quy định việc miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nghị quyết này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông là công dân Việt Nam tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp.
Tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 – 2026 cho các đối tượng theo dự thảo nghị quyết ước tính khoảng 30,6 nghìn tỉ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 28,7 nghìn tỉ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỉ đồng).
Hiện nay, tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí theo quy định Luật Giáo dục đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22,4 nghìn tỉ đồng (trong đó, khối công lập là 21,8 nghìn tỉ đồng; khối dân lập, tư thục là 0,6 nghìn tỉ đồng).
Như vậy, số ngân sách nhà nước phải bảo đảm thêm khi thực hiện chính sách theo nghị quyết này là 8,2 nghìn tỉ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 6,9 nghìn tỉ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,3 nghìn tỉ đồng). Mức ngân sách cần bảo đảm ở từng địa phương phụ thuộc vào quy định đóng học phí của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông; bổ sung quy định ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Dự thảo Nghị quyết quy định phương thức hỗ trợ học phí đối với người học chi trả thông qua các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ mở rộng của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, các cơ quan thống nhất thực hiện theo phương thức hỗ trợ đóng học phí là cấp trực tiếp cho người học.
“Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định về tổ chức thực hiện, trong đó giao Chính phủ hướng dẫn phương thức chi trả tiền hỗ trợ đóng học phí đối với người học trong cơ sở giáo dục ngoài công lập” - Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Nên chi trả tiền hỗ trợ học phí cho người học ngoài công lập trực tiếp qua cha mẹ, người giám hộ
Góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, thực hiện chính sách này của Trung ương nên ngân sách phải đảm bảo nằm trong chi phí giáo dục. Trước đây một số tỉnh, thành thấy chính sách này tốt và tự cân đối, nhưng bây giờ thực hiện cấp quốc gia thì phải kế hoạch hóa ngay từ đầu năm để ngành GD-ĐT biết tổng kinh phí được bao nhiêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu cho ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện số kinh phí này chưa trong dự toán của giáo dục. Cá nhân ông ủng hộ việc tính luôn trong dự toán và ngân sách cấp đảm bảo chi đủ, còn nếu để tỉnh chưa đảm bảo cân đối ngân sách phải cân đối thì có thể không làm được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng tình với ý kiến nêu trên và nhấn mạnh, nguồn chi cho giáo dục thì nên đưa khoản này thành khoản chi cho giáo dục.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cũng cho biết, Bộ Tài chính nhận thức đây là nhiệm vụ chung, sẽ tính tổng chi ngân sách chi thường xuyên. Song, để đảm bảo bố trí dự toán thì Bộ GD-ĐT cần đánh giá đầy đủ về số lượng học sinh cả công lập và ngoài công lập để có cơ sở tính toán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Liên quan phương thức chi trả cho học sinh ngoài công lập qua cơ sở giáo dục hay đến trực tiếp học sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ thống nhất với hướng hỗ trợ cho người học qua cha mẹ, người giám hộ. Phương án chi trả này hoàn toàn khả thi trong thực tế và hợp lý.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.
Việc ban hành nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội...