Đề xuất hai phương án xử lý nền đất yếu dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh Hậu Giang đang đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là về nguồn vật liệu cát và đá phục vụ thi công.

Thi công cầu Xà No Km103+251.71, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thuộc địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN

Thi công cầu Xà No Km103+251.71, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thuộc địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN

Dự án cần khoảng 6 triệu m³ cát, nhưng hiện mới chỉ được cấp phép khai thác 3 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 4,27 triệu m³.

Để bổ sung nguồn cung, tỉnh Hậu Giang đã có văn bản gửi tỉnh An Giang đề nghị hỗ trợ thêm 0,4 triệu m³ từ mỏ cát Tân Hòa. Cùng với đó, đơn vị thi công đang làm thủ tục xin cấp phép thêm một mỏ cát tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

Về đá, tổng khối lượng đá phục vụ cho Dự án thành phần 3 là khoảng 1,2 triệu m³. Đến nay, mới tập kết được 0,2 triệu m³, phần còn lại đang được huy động từ các mỏ đá tại An Giang, Bình Dương và Đồng Nai.

Một thách thức kỹ thuật lớn của dự án là xử lý nền đất yếu. Theo thiết kế ban đầu, biện pháp xử lý chủ yếu là cắm bấc thấm kết hợp đắp cát gia tải, với tổng chiều dài cần xử lý là 32,24 km. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi lượng cát rất lớn và thời gian chờ cố kết kéo dài, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ toàn dự án.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở Xây dựng Hậu Giang đề xuất hai phương án. Phương án 1 là tiếp tục huy động cát và đá để thi công như thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, với thực tế thiếu hụt vật liệu và tiến độ cấp phép mỏ chậm, phương án này khó khả thi.

Phương án 2 là thay đổi giải pháp xử lý nền đất yếu từ bấc thấm sang sử dụng cọc xi măng đất. Phương án này có thể rút ngắn thời gian xử lý nền từ 6 tháng xuống còn khoảng 2 tháng, không phụ thuộc vào nguồn cát, đồng thời đảm bảo tính ổn định và bền vững cho nền đường. Chi phí phát sinh khoảng 23 tỷ đồng/km, nhưng phù hợp với điều kiện kỹ thuật và tiến độ yêu cầu của Chính phủ.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng chiều dài 188 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài 36,7 km, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 4/5/2025, dự án thành phần 3 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Như công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành 100%, với 1.150 hộ dân bị ảnh hưởng và tổng diện tích thu hồi khoảng 260 ha. Hai khu tái định cư quy mô 550 nền đã được hoàn thành và bàn giao cho địa phương, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tái định cư của người dân.

Các hạng mục chính như đường công vụ và hệ thống cầu trên tuyến đã và đang được đẩy nhanh tiến độ. Cụ thể, gói thầu số 1 đã hoàn tất thi công 18/18 km đường công vụ, đồng thời triển khai thi công đồng loạt 12/12 cầu. Đến nay, toàn bộ dầm cầu đã được lắp đặt và 9 cầu đã hoàn thành mặt cầu. Gói thầu số 2 cũng đã hoàn tất 10/18,4 km đường công vụ, lắp đặt dầm cho 5 cầu và đổ mặt cầu cho 2 cầu.

Đến hết tháng 4/2025, Dự án giải ngân được 4.163 tỷ đồng, đạt 60,83% kế hoạch vốn. Dự kiến trong năm 2025, tỉnh sẽ giải ngân khoảng 1.380 tỷ đồng/2.880 tỷ đồng của phần lớn khối lượng thi công là đắp nền và chờ cố kết. Phần vốn còn lại thuộc các hạng mục phức tạp như hệ thống giao thông thông minh, camera giám sát, nhà điều hành chưa đến giai đoạn triển khai nên chưa thể giải ngân.

Duy Ba (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/de-xuat-hai-phuong-an-xu-ly-nen-dat-yeu-du-an-cao-tocchau-doc-can-tho-soc-trang-20250505124744863.htm
Zalo