Cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành chính thức thi công trở lại

Sau nhiều năm tạm dừng do vướng mắc về vốn, dự án xây dựng cầu Phước Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã chính thức được tái khởi động, với thời gian hoàn thiện dự kiến trong vòng 15 tháng.

Ngày 5/5, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, gói thầu xây dựng phần còn lại của cầu Phước Khánh (gói J3-1) đã được khởi công trở lại đầu tháng 5, sau khi quá trình lựa chọn nhà thầu mới hoàn tất.

Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Bắc Trung Nam và Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam là đơn vị được trao thầu, với tổng giá trị hợp đồng hơn 635 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian thi công là 450 ngày.

Cầu Phước Khánh là một trong hai hạng mục cầu lớn nhất trên toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, bắc qua sông Lòng Tàu, kết nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai).

Công trình được thiết kế theo dạng cầu dây văng, tổng chiều dài hơn 3 km, mặt cầu rộng gần 22 m và tĩnh không đạt 55 m, cao nhất trong số các cây cầu tại Việt Nam hiện nay.

Trước đó, gói thầu xây dựng cầu Phước Khánh được triển khai từ tháng 1/2016 bởi liên danh nhà thầu Sumitomo Mitsui - Cienco 4. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc bố trí vốn và đàm phán gia hạn hiệp định vay, dự án phải tạm ngưng từ năm 2020, khi đã hoàn thành hơn 80% khối lượng thi công.

Việc tái khởi động gói thầu J3-1 được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, đặc biệt trong bối cảnh nhiều gói thầu khác trên tuyến đã cơ bản hoàn tất hoặc đang tăng tốc triển khai.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công từ năm 2014, với chiều dài gần 58 km, đi qua ba địa phương trọng điểm: Long An, TP.HCM và Đồng Nai. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu là 31.300 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh xuống còn 29.587 tỷ đồng. Cao tốc được thiết kế với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa cho phép là 100 km/h.

Đây là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của khu vực phía Nam, đóng vai trò then chốt trong việc kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, đồng thời giúp phân luồng giao thông, giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô TP.HCM. Tuy nhiên, dự án đã gặp nhiều trở ngại về cơ chế đầu tư và nguồn vốn, dẫn đến tiến độ bị chậm trễ.

Hiện nay, một số đoạn tuyến với tổng chiều dài gần 30 km đã được đưa vào khai thác tạm thời tại khu vực Long An và Đồng Nai. VEC cũng đã trình đề xuất thu phí sử dụng tuyến cao tốc với mức phí dự kiến là 2.000 đồng/km, nhằm từng bước hoàn vốn đầu tư cho dự án.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/cau-phuoc-khanh-tren-tuyen-cao-toc-ben-luc-long-thanh-chinh-thuc-thi-cong-tro-lai-317585.html
Zalo