Đề xuất giữ quy định chất vấn Chánh án và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp tỉnh

Thực tế cho thấy, việc chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh, trong đó có chất vấn Chánh án và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân rất hiệu quả, được Nhân dân theo dõi, đánh giá cao. Do vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị cần xem xét giữ lại quy định này.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều 7/5, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); và dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự phiên thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa).

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14 chiều 7/5. Ảnh: Đ. Thanh

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 14 chiều 7/5. Ảnh: Đ. Thanh

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các ĐBQH bày tỏ nhất trí cao về quan điểm chỉ đạo, mục đích, yêu cầu, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tán thành nội dung của dự thảo Nghị quyết nêu tại Tờ trình của Ủy ban dự thảo, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị, tại Điều 1 dự thảo Nghị quyết, ngoài việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112, nên cân nhắc sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 112 theo hướng bổ sung cụm từ “chịu sự giám sát của Nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Theo đó, khoản 1, Điều 112 được diễn đạt lại như sau: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; chịu sự giám sát của Nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Lý lẽ, theo đại biểu, bởi tại khoản 2, Điều 2 Hiến pháp quy định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Như vậy, quyền lực nhà nước nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng đều thuộc về Nhân dân, nên quy định Nhân dân giám sát đối với chính quyền địa phương là phù hợp; Nhân dân không chỉ trực tiếp giám sát chính quyền mà còn giám sát thông qua các hoạt động của MTTQ Việt Nam, trong đó có việc giám sát, phản biện xã hội (theo quy định tại Điều 9 của Hiến pháp).

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Cũng theo đại biểu Trần Văn Tuấn, tại khoản 8, Điều 1 dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 như sau: “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND…”.

Như vậy, so với khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 nêu trên không quy định Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.

Ủy ban dự thảo, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 lý giải trong Tờ trình là: Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng sẽ không tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện mà thay thế bằng các Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.

Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND).

Ủy ban dự thảo, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 xác nhận, còn có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần nghiên cứu thêm ý kiến này, vì thực tế thời gian qua cho thấy, việc chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, trong đó có chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân rất hiệu quả, được Nhân dân theo dõi, đánh giá cao.

Ý kiến trên nhận được chia sẻ, đồng thuận của các ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và Lê Xuân Thân (Khánh Hòa).

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Đại biểu Lê Xuân Thân phân tích, quyền giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là HĐND cấp xã và cấp tỉnh; ở cấp Trung ương là Quốc hội với Chính phủ. Từ trước tới nay, quyền giám sát ở cả cơ quan quyền lực Trung ương và địa phương đều thực hiện giám sát cả cơ quan hành pháp và tư pháp, trong đó có quyền chất vấn.

Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Đại biểu cho rằng, mặc dù Tờ trình đã giải thích, song vẫn cần xem xét lại việc bỏ chất vấn của đại biểu HĐND đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh.

“Dù không còn Tòa án nhân dân huyện và Viện Kiểm sát nhân dân huyện, mà thay bằng Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, thì trách nhiệm dồn về cấp tỉnh nên việc chất vấn còn nặng nề hơn, quan trọng hơn, cần thiết hơn. Do đó, nên suy nghĩ lại quy định này trong dự thảo Nghị quyết. Không thể vì không tổ chức cấp huyện mà bỏ luôn cơ chế giám sát này ở cấp tỉnh, bởi nếu bỏ đi là đang hạn chế quyền giám sát của cơ quan dân cử tại địa phương”, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-xuat-giu-quy-dinh-chat-van-chanh-an-va-vien-truong-vien-kiem-sat-cap-tinh-10371648.html
Zalo