Đề xuất giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày

Cơ quan soạn thảo đề xuất giao Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ tình hình thực tế điều chỉnh thời gian giữa các bước trong quy trình bầu cử, phù hợp với thực tế, bảo đảm thời gian theo quy định.

Sáng 12/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã đọc Tờ trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều chỉnh rút ngắn ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới

Theo đó, dự thảo luật đề xuất sửa đổi 25 điều có nội dung liên quan đến tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Cụ thể, dự thảo Luật lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện như: Hội đồng nhân dân; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức phụ trách bầu cử, đơn vị bầu cử cấp huyện,…

Dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung một số nội dung có liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, như: thẩm quyền quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu (khoản 4 Điều 11); việc tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã (khoản 2 Điều 22); bổ sung thành phần đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham dự các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các điều 39, 44, 49); bổ sung quy định chuyển tiếp, quy định đối với những nơi hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân phường (Điều 96).

Cùng với đó, dự thảo luật sửa đổi 20 điều có nội dung liên quan đến giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử, trong đó đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử: rút ngắn từ 70 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật hiện hành xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như Luật hiện hành.

Đối với khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, điều chỉnh giảm thời gian một số bước như: thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử; thời gian tiếp nhận khiếu nại kết quả bầu cử và xem xét giải quyết khiếu nại kết quả bầu cử; thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại; Với các điều chỉnh rút ngắn như đề xuất thì ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sớm nhất có thể là sau ngày bầu cử chỉ 22 ngày (Luật Tổ chức Quốc hội đang cho phép tối đa là 60 ngày).

 Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã đọc Tờ trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã đọc Tờ trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung 05 điều liên quan đến các vướng mắc trong công tác bầu cử cần sửa ngay và bổ sung 01 khoản vào điều hướng dẫn thi hành.

Cụ thể, bổ sung chức danh Thư ký Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử; bổ sung thành phần đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia làm Ủy viên Ủy ban bầu cử ở tỉnh tương tự như đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Bổ sung nội dung (Điều 36), trường hợp đặc biệt, cho phép Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn việc chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (khi đã hết thời hạn nộp hồ sơ) đối với người ứng cử chuyển công tác (sau khi nộp hồ sơ) từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác theo chủ trương của cấp có thẩm quyền. (Chỉ áp dụng đối với các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý).

Sửa đổi, bổ sung nội dung (Điều 65, Điều 66). Theo đó các hình thức vận động bầu cử được quy định đa dạng hơn, như hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất giao Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ tình hình thực tế chủ động điều chỉnh thời gian giữa các bước trong quy trình bầu cử, phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm tiến độ thời gian theo quy định.

Ngoài ra, để đồng bộ với việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn…, dự thảo Luật có sửa đổi một số cụm từ như “cấp xã gồm xã, phường, đặc khu”; thay cụm từ “Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam” thành “Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.”

Ngoài ra, dự thảo luật cũng lược bỏ các quy định về sự tham gia của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ quan trong tổ chức hội nghị giới thiệu người ứng cử, hội nghị lấy ý kiến cử tri tại các điều 4, 8, 9, 10, 21, 22, 37, 41, 42, 45, 52 và 54…

Tán thành việc điều chỉnh số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết ủy ban cơ bản tán thành với các quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật, đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi Luật cần quán triệt thực hiện việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật; chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết.

Đi vào nội dung cụ thể, đại diện Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Về sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp. Theo đó, nhấn mạnh tại Khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi giao Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu, theo đại diện cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến tán thành với việc sửa đổi của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ ngay trong Điều luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu.

“Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định Ủy ban nhân dân cấp xã thống nhất với người đứng đầu các đơn vị có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng để quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu,” Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nhấn mạnh.

 Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình thẩm tra dự án luật. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình thẩm tra dự án luật. (Ảnh: quochoi.vn)

Cũng theo ông Dương Thanh Bình, đa số ý kiến tán thành việc điều chỉnh số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã (tại Khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật). Có ý kiến đề nghị nghiên cứu điều chỉnh tăng thêm số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã tối thiểu là “từ mười một đến mười chín thành viên.”

Về sửa đổi các quy định nhằm điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đa số ý kiến tán thành với việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc giảm thời gian ở một số bước để bảo đảm tính khả thi, như: thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai còn 02 ngày; thời gian từ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đến lần thứ ba còn 17 ngày; thời gian tiếp nhận khiếu nại còn 3 ngày; thời gian xem xét, giải quyết khiếu nại còn 7 ngày...

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành việc bổ sung thành phần Ủy viên Ủy ban bầu cử, chức danh “thư ký”; mở rộng hình thức vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri; việc bổ sung thẩm quyền hướng dẫn, điều chỉnh thời gian của Hội đồng bầu cử quốc gia trong trường hợp phát sinh vướng mắc tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật.

“Có ý kiến đề nghị bổ sung tại khoản 2 Điều 22 của Luật hiện hành quy định “danh sách Ủy ban bầu cử ở xã phải được gửi đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh,” ông Dương Thanh Bình cho hay./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-giam-thoi-gian-thuc-hien-quy-trinh-thu-tuc-bau-cu-con-42-ngay-post1037979.vnp
Zalo