Đề xuất giải pháp hỗ trợ các nước đang phát triển nhưng không giáp biển
Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ các quốc gia đang phát triển nhưng có vị trí địa lý không giáp biển như mở rộng năng lực thương mại và tiếp cận thị trường quốc tế, chuyển đổi từ mô hình không có biển thành liên kết đất liền, hợp tác vận tải qua các tuyến sông xuyên biên giới…
TTXVN đưa tin, vừa qua, phiên họp cấp cao Á-Âu về rà soát Chương trình hành động Viên (VPoA) cho các nước đang phát triển nhưng không giáp biển (LLDCs) được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan).
Chương trình hướng đến việc tổ chức hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về LLDCs vào năm 2024 tại Rwanda; điểm lại những cơ hội cũng như thách thức đang tồn tại, chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị chính sách để hỗ trợ các nước đang phát triển mà có vị trí địa lý không giáp biển thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trong đó, chia sẻ tại phiên họp, Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất gồm phát triển, tạo cơ sở cho kết nối cơ sở hạ tầng, mở rộng năng lực thương mại và tiếp cận thị trường quốc tế, hướng đến chuyển đổi từ mô hình không có biển thành liên kết đất liền. Những nước này cũng cần phát triển các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi sự xa xôi về địa lý như du lịch bền vững và kinh tế kỹ thuật số.
Ngoài ra, việc hợp tác vận tải qua các tuyến sông xuyên biên giới là rất cần thiết. Hồi đầu năm nay, Việt Nam đã ký kết với Lào về thỏa thuận kết nối 29 cảng dọc 1.800 km sông Mê Kông.
Cũng theo bản tin trên, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan chia sẻ, Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp vào các mục tiêu và hành động chung, hướng tới phát triển bền vững. Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động trong khuôn khổ khu vực, tiểu khu vực và song phương để hỗ trợ các nước đang phát triển và nằm trong danh sách không có biển này.
Đơn cử như Việt Nam thực hiện dự án và chương trình Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) kết nối Việt Nam – Lào – Thái Lan – Myanmar, hợp tác với các tiểu vùng sông Mê Kông…
Việt Nam cũng tham gia vào kết nối ASEAN và những kế hoạch song phương như “Một biên giới – Một trụ cột” với Lào; đăng cai tổ chức hội nghị thường niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) và cuộc họp giữa năm của Hiệp hội giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) hồi tháng 7 năm nay; cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về khu vực Âu-Á về cải thiện hợp tác trong lĩnh vực quá cảnh…