Đề xuất dừng chính sách tài khóa mở rộng từ năm 2025

Bộ Tài chính cho rằng, đã đến lúc cần phải thắt chặt điều hành chính sách tài khóa để tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Cân đối ngân sách đảm bảo

Ngày 15/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ tài chính - NSNN được triển khai trong bối cảnh các cân đối lớn vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức tích cực. Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động tham mưu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực và trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống người dân.

Mỗi năm, gần 200 nghìn tỷ đồng hỗ trợ chính sách tài khóa mở rộng

Mỗi năm, gần 200 nghìn tỷ đồng hỗ trợ chính sách tài khóa mở rộng

Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 64,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 57,4% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1% so cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ. Điều này phản ánh đúng bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá với GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 6,42%, CPI bình quân 6 tháng tăng 4,08% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,75%, đạt mục tiêu đề ra.

Về chi NSNN ước đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29% dự toán Quốc hội quyết định, giảm 8,8% (16,4 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt khoảng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 49,7% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 43,7% dự toán.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến hết tháng 6 năm 2024, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 156,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,89 năm, lãi suất bình quân 2,33%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô khoảng 184,86 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh điều kiện nền kinh tế đất nước và tài chính công rất khó khăn.

Chủ động nắm bắt diễn biến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải có cái nhìn chia sẻ và có nhận thức chung rằng chính sách tài khóa mở rộng hết năm 2024 thì cần kết thúc để có một chu kỳ mới. Trong 4 năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế đất nước rất khó khăn, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và phát triển một cách bền vững, phục hồi.

Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn. Trong khi đó, cần phải tăng cường năng lực cho tài chính công để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống đường giao thông, cao tốc, sân bay, bến cảng và an sinh xã hội, cải cách tiền lương, duy trì hoạt động bộ máy…

Bộ trưởng Phớc cho rằng, đã đến lúc phải thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024. Trong đó, cần chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế để đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thu NSNN, đề ra các giải pháp phù hợp.

Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc cho người nộp thuế, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Ngoài ra, phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức xây dựng dự toán ngân sách năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027 và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2026-2030 ở địa phương bám sát các yêu cầu, nội dung chủ yếu tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính;

Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả để mở rộng thu hút nguồn lực tài chính cho đất nước. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường cổ phiếu, trái phiếu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước và chống thất thu NSNN.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/de-xuat-dung-chinh-sach-tai-khoa-mo-rong-tu-nam-2025--i737468/
Zalo