Đề xuất đưa tên danh nhân Lưu Đình Chất vào quỹ tên đường

Tại hội thảo 'Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản', các nhà sử học đề xuất đưa tên ông vào quỹ đặt tên đường ở Thanh Hóa.

Hội thảo Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản với hơn 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà sử học đã làm rõ nét hơn về cuộc đời và sự nghiệp, những đóng góp nổi bật của ông trong lịch sử.

Danh nhân Lưu Đình Chất (1566 - 1627) sinh ra và lớn lên trong gia tộc họ Lưu (Thanh Hóa), từng làm quan triều Lê Trung Hưng. Theo sử liệu, ông đỗ đạt khá muộn, khi đã 42 tuổi, do lớn lên trong thời loạn, việc học hành thi cử có nhiều khó khăn.

Tượng thờ danh nhân Lưu Đình Chất.

Tượng thờ danh nhân Lưu Đình Chất.

Về sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Lưu Đình Chất, đó là khoa thi năm Đinh Mùi (1607), TS. Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh chung của giáo dục Nho học Đàng Ngoài thời Lê Trung Hưng, ông là nhân vật nổi trội nhất, cả về con đường làm quan cũng như công lao, đóng góp với quê hương, đất nước.

Sau khi đỗ Hoàng giáp (1607), Lưu Đình Chất vẫn đảm nhận công việc ở Bộ Lại, đến năm 1613 thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá. Đặc biệt, năm 1616, Lưu Đình Chất được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh.

Đây không chỉ là sự kiện lớn trong sự nghiệp làm quan của người con đất Đông Khê mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với quốc gia láng giềng. Không phụ sự kỳ vọng, trong chuyến đi này, Lưu Đình Chất bằng tài ngoại giao khéo léo đã chú trọng gia tăng tình hòa hiếu với không chỉ nhà Minh mà mở rộng giao hảo với sứ thần Cao Ly. Sau khi đi sứ trở về, Lưu Đình Chất được thăng lên chức Hữu Thị lang Bộ Lại, tước hầu.

TS. Phạm Văn Ánh.

TS. Phạm Văn Ánh.

TS.Phạm Văn Ánh, Viện Văn học Việt Nam chia sẻ: "Đối với người được chọn làm Chánh sứ sang Trung Hoa, một trong những tiêu chí hàng đầu là phải có tài 'chuyên đối', tức khả năng ứng đối một cách sắc bén. Sự ứng đối đó không chỉ bằng lời nói, mà còn phải bằng thơ văn. Nói cách khác, người làm Chánh sứ phải có tài văn chương. Có thể thấy, mặc dù Toàn Việt thi lục chỉ chép lại được 18 bài thơ sứ trình của Lưu Đình Chất, song ngần ấy cũng đủ để người đọc thấy được phẩm chất, tài năng thơ ca và phần nào tài năng ngoại giao của ông".

Đánh giá về danh nhân Lưu Đình Chất, nhà sử học Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí khen ngợi: "Từ đời Hoằng Định đến Dương Hòa, Thịnh Đức là lúc triều đình lắm việc, phải sửa chính ở trong, dẹp loạn ở ngoài… Ông Lưu Đình Chất ở Quỳ Chử bày tỏ mưu hay, bổ ích rất nhiều".

Lưu Đình Chất cũng được đánh giá cao nhờ các bài khải thể hiện rõ tấm lòng lo lắng đau đáu với thời cuộc, vận mệnh đất nước, đặc biệt về cuộc sống hàng ngày của những người dân lao khổ mọi miền.

Vì vậy TS. Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong ngân hàng tên đường phố của TP Thanh Hóa hoặc huyện Hoằng Hóa cần có tên danh nhân Lưu Đình Chất. Ngoài ra, cũng cần đổi tên cho một số trường học hiện nay (có thể là Trường THPT Hoằng Hóa 2 hay Trường THCS, Trường tiểu học xã Hoằng Quỳ) thành trường mang tên Lưu Đình Chất. Những câu chuyện về danh nhân Lưu Đình Chất cũng được đề nghị đưa vào trong chương trình giáo dục địa phương.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-dua-ten-danh-nhan-luu-dinh-chat-vao-quy-ten-duong-2299144.html
Zalo