Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm tạo gánh nặng không cần thiết cho người dân

Trước đề xuất áp dụng tính thuế với lãi tiền gửi ngân hàng, các chuyên gia đều cho rằng điều này không phù hợp với thực trạng nền kinh tế Việt Nam. Nếu tính thuế đối với tiền gửi tiết kiệm sẽ gây ra ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng – nơi đang gánh phần lớn nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Một vấn đề được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, trong đó đáng chú ý là phần góp ý của UBND TP.Cần Thơ. Cụ thể, địa phương này đề xuất đơn vị soạn thảo nghiên cứu và mở rộng cơ sở thuế, theo hướng chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ và xem xét áp dụng thuế đối với các hộ gia đình thu nhập cao. Lý do UBND TP. Cần Thơ đưa ra đề xuất trên với mục đích mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, được miễn thuế.

Các chuyên gia cho rằng việc đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm là đề xuất không phù hợp

Các chuyên gia cho rằng việc đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm là đề xuất không phù hợp

Đối với đề xuất này, TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh thuế lãi tiền gửi có thể phù hợp với các nước phát triển, nơi thị trường tài chính đã hoàn thiện và chính phủ khuyến khích dòng tiền chảy vào đầu tư, tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Một số quốc gia cũng áp thuế nhưng chỉ đối với các khoản tiết kiệm trên một mức nhất định để định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Tiền gửi tiết kiệm không chỉ là kênh tích lũy cá nhân mà còn là nguồn vốn để ngân hàng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa đủ hấp dẫn và an toàn để thay thế hoàn toàn kênh tiết kiệm.

Chính vì thế, nếu đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, điều này có thể gây ra tác dụng ngược đó là dòng tiền sẽ không còn mặn mà tìm tới ngân hàng mà chảy vào vàng, bất động sản hoặc các kênh đầu cơ khác, gây mất cân đối thị trường tài chính. Chưa kể hiện rất nhiều khoản thu nhập của người dân đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời đang kiến nghị điều chỉnh.

Theo ông Linh, chính sách này có thể khả thi trong tương lai khi hệ thống tài chính phát triển đồng bộ hơn, nhưng ở thời điểm hiện tại, cần có đánh giá cẩn trọng để tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến, việc áp thuế tiền gửi tiết kiệm chắc chắn sẽ tác động đến nguồn vốn huy động của các nhà băng. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng khá nhiều. Để có vốn cho vay, các ngân hàng phải thực hiện huy động vốn từ tổ chức, cá nhân.

Theo vị chuyên gia này, nếu tính thuế trên số tiền gửi tiết kiệm thì chẳng khác nào đánh thuế 2 lần trên một khoản thu nhập. Bởi người làm công ăn lương sau khi trừ đi thuế, còn dư một phần tiền gửi tiết kiệm mà số tiền này lại tính thuế lần nữa thì không hợp lý.

Khảo sát nhanh ý kiến của một số người dân, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, chị Hoàng Bích Ngọc, Long Biên, Hà Nội cho biết, hiện giờ nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng, mỗi năm sẽ có khoảng 6-7 triệu đồng tiền lãi, vì vậy số tiền lãi không nhiều để đánh thuế. Theo chị Ngọc, người dân tìm đến gửi tiền ở ngân hàng như một nơi cất giữ tiền an toàn, có chút lãi hàng tháng. Hiện tại cá nhân chị đã phải nộp mấy loại thuế như thuế thu nhập cá nhân... Giờ lại đánh thuế là điều không hợp lý.

Còn anh Nguyễn Thanh Phú (Cầu Giấy, Hà Nội), nếu thực sự bị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, anh sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản... đang lên giá cao, tỷ suất sinh lời cao hơn. Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp lại còn bị đánh thuế thì phần lãi mà người gửi tiền được hưởng không đáng là bao.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, việc người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế. "Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không “bõ” mà lại gây tâm lý không tích cực cho người dân", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đặt vấn đề.

Giới chuyên môn nhận định, khi mà thị trường vốn chưa phát triển, vốn ngân hàng vẫn là kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế không nên đặt vấn đề thu thuế lãi tiền gửi, mà vẫn cần tiếp tục khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm. Chưa kể tạo gánh nặng thêm cho người dân khi thu nhập đang bị ảnh hưởng do những thay đổi chính sách.

Hạ Chi

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/de-xuat-danh-thue-tien-gui-tiet-kiem-tao-ganh-nang-khong-can-thiet-cho-nguoi-dan-160629.html
Zalo