Đề xuất đánh thuế 'chống' đầu cơ bất động sản

Bộ Tài chính có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) để đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, chính sách thuế TNCN chuyển nhượng BĐS từng bước hoàn thiện với thực tiễn, nhưng chính sách này không phân biệt theo thời gian nắm giữ BĐS của chủ sở hữu. Thu nhập chịu thuế mua bán nhà, đất xác định giá chuyển nhượng từng lần, thuế suất 2%. Để ngăn chặn hành vi đầu cơ BĐS cần sử dụng công cụ thuế. Về việc này, thông qua thuế, một số quốc gia trên thế giới tăng chi phí cho hành vi đầu cơ. Đồng thời, áp dụng thuế với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS căn cứ theo tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại nhà, đất. Nếu thời gian diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao và ngược lại.

Cụ thể, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất giảm còn 50% và sau 3 năm là 25%. Tại Đài Loan, giao dịch BĐS thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%. Trong 2 - 5 năm, thuế suất là 35%, trong 5 đến 10 năm thuế suất là 20% và sau 10 năm là 15%. Về việc này, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này để xây dựng chính sách phù hợp, tăng chi phí đối với các giao dịch ngắn hạn, hạn chế hành vi đầu cơ BĐS.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến BĐS. Để thực hiện các chủ trương, định hướng này, mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ BĐS, Bộ Tài chính tham mưu thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về sử dụng nhà, đất hiệu quả, quy định mức thuế cao với người sở hữu nhiều BĐS, hoặc bỏ hoang, không sử dụng đất. Đồng thời, đánh thuế mua bán theo thời gian sở hữu cũng làm giảm tình trạng đầu cơ, bong bóng BĐS. Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường BĐS.

Trong bối cảnh giá nhà, đất ở tăng không ngừng, Bộ Xây dựng cũng đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Về việc này, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đề xuất Nhà nước cần có chính sách hạn chế động lực đầu cơ, cần sớm nghiên cứu áp dụng thuế BĐS, hướng đến những chủ sở hữu không đưa BĐS tham gia hoạt động kinh doanh, hay không triển khai xây dựng sau khi nhận đất. Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội thông qua với 421/423 đại biểu có mặt tán thành vào chiều 23/11.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất. Quy định này phải bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin, đề xuất đánh thuế người có nhiều BĐS để tránh đầu cơ, đảm bảo thị trường phát triển minh bạch, ổn định là phù hợp, cần thiết. Trước thực trạng giá nhà đất tăng “phi mã”, nhiều ý kiến đề xuất cần kiểm soát giá nhà, đất thông qua chính sách thuế; nên đánh thuế đối với những người sở hữu nhiều BĐS, hạn chế nghịch lý khi nhiều người không có nhà để ở thì không ít người lại có quá nhiều nhà để không.

Trong báo cáo vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. “Đây là đề xuất rất đáng tiếp thu và nghiên cứu. Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình, sẽ nghiên cứu các chính sách tài chính về đất đai, thị trường nhà đất để góp phần thị trường BĐS minh bạch, ổn định và phát triển” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói.

Thứ trưởng lưu ý: “Nếu chỉ riêng chính sách thuế cũng không đáp ứng được yêu cầu mà phải đồng bộ các chính sách khác, như: Chính sách đất đai, quy hoạch… Nếu đưa ra chính sách không toàn diện thì đạt mục tiêu này lại ảnh hưởng mục tiêu khác, mục tiêu cuối cùng lại không đạt được”. Liên quan việc này, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nhà nước phải có chính sách thuế đánh vào người có nhiều nhà, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất. Nếu không sớm ban hành chính sách thuế thì không thể xử lý được toàn diện vấn đề về đất đai nói chung, thị trường BĐS nói riêng.

Bộ Tài chính thông tin, đầu cơ BĐS được xem là tình trạng bất cập trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Các nhà đầu cơ mua vào số lượng lớn nhà, đất để tích trữ và sau bán ra để tìm kiếm lợi nhuận cao. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các tỉnh, thành phố đang phát triển mà còn phổ biến tại các vùng nông thôn. Việc áp dụng chính sách thuế mới kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh, đồng thời giảm áp lực giá nhà và cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân. Dự thảo của chính sách này được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét.

N.R (Tổng hợp)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/de-xuat-danh-thue-chong-dau-co-bat-dong-san-a411588.html
Zalo