Đề xuất của Thaco có gì đáng chú ý?
Tập đoàn Trường Hải (Thaco) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất được tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Vậy, có gì đang chú ý sau đề xuất này của Thaco?
Đây là công trình hạ tầng có quy mô vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 61 tỷ đô la Mỹ (chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng). Có thể nói, đây là dự án đầu tư lớn nhất lịch sử Việt Nam. Dù đề xuất của Thaco chỉ là ý tưởng ban đầu, chưa có phương án chi tiết, nhưng vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt.
Điểm đáng chú ý đầu tiên của đề xuất này là câu chuyện huy động vốn. Với tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ đô la Mỹ, con số này vượt xa khả năng của bất kỳ doanh nghiệp đơn lẻ nào, kể cả Thaco - Tập đoàn có vốn chủ sở hữu gần 58.000 tỷ đồng. Họ đề xuất vay 80% số vốn, tương đương khoảng 49 tỷ USD, từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Mấu chốt là Thaco đề nghị Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong 30 năm.
Thực tế, khi doanh nghiệp vay vốn từ các tổ chức tín dụng, lãi suất sẽ theo thị trường. Đề xuất của Thaco cho thấy họ tự tin có thể huy động được nguồn vốn này một cách sòng phẳng. Việc tự tin của doanh nghiệp rất quan trọng, thể hiện sức khỏe doanh nghiệp, sức mạnh đàm phán của họ.
"Chính phủ bảo lãnh lãi vay" có thể hiểu là Thaco vẫn chịu trách nhiệm chính trả lãi. Nếu Thaco gặp khó khăn, Chính phủ sẽ trả giúp sau đó Thaco và Chính phủ sẽ thỏa thuận phương thức hoàn trả.
Điểm đáng chú ý thứ hai là chính sách ưu đãi thuế, cụ thể là miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị phục vụ dự án trong nước chưa sản xuất được.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ là công trình giao thông đơn thuần, mà còn có hiệu ứng lan tỏa lớn đến nhiều ngành kinh tế khác. Để hiệu ứng này tốt nhất, cần ưu tiên sử dụng tối đa hàng hóa sản xuất trong nước như sắt thép, xi măng, máy móc cơ khí, công nghệ điều khiển...
Những loại hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn sẽ không được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu này. Đây là giải pháp công bằng, buộc chủ đầu tư phải cân nhắc giữa nhập khẩu (có thể rẻ hơn ban đầu nhưng chịu thuế) và sử dụng sản phẩm trong nước (có thể đắt hơn nhưng thúc đẩy sản xuất nội địa).
Cuối cùng, Thaco kiến nghị được ưu tiên giao các quỹ đất dọc tuyến đường sắt để thực hiện các dự án phát triển đô thị theo mô hình TOD (Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng). Dù là một sự ưu tiên nhất định trong một dự án tầm cỡ quốc gia, kéo dài hàng chục năm và nhiều rủi ro, đây có thể xem là sự "đánh đổi" cần thiết. Doanh nghiệp tư nhân khi tham gia những dự án lớn, ngoài trách nhiệm xã hội, cần thấy lợi ích cụ thể để mạnh dạn đầu tư và chấp nhận rủi ro.
Đề xuất của Thaco chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian để các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá toàn diện, đặc biệt là về giải pháp tài chính, vốn vay. Tuy nhiên, đề xuất đã mở ra những hướng suy nghĩ mới về việc huy động nguồn lực tư nhân tham gia vào các đại dự án hạ tầng, cũng như cơ chế, chính sách cần thiết để thu hút và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.