Đề xuất công chức tinh giản được hưởng hỗ trợ như 'đối tượng đặc thù'
Với 8 Chương, 58 Điều, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được chỉnh lý theo nguyên tắc quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho tất cả người lao động nói chung, cơ bản không phân biệt các đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, cũng có những quy định chính sách hỗ trợ riêng cho một số đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế.
Đặt câu hỏi “Cán bộ mất việc do tinh gọn, sắp xếp bộ máy có được hưởng chính sách hỗ trợ như nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế không?”, Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần đưa cán bộ công chức mất việc do tinh giản, sắp xếp bộ máy vào diện hưởng chính sách này.
Cụ thể, Khoản 4, Điều 4, Dự thảo Luật về Chính sách của Nhà nước việc làm nêu “Có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm, chuyển đổi việc làm thích ứng với già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng: Việc mở rộng chính sách hỗ trợ nhóm yêu thế như trong Dự thảo là tích cực. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn cụm từ “sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” là không rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm. “Không rõ việc sắp xếp này ảnh hưởng đến ai? Người lao động bị cắt giảm do sắp xếp có được ưu tiên tái bố trí, đào tạo lại, chuyển đổi việc làm không?”, Đại biểu Bình đặt câu hỏi. Từ cơ sơ này, Đại biểu đề nghị sửa đổi Luật theo hướng làm rõ hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị mất việc do cơ cấu lại bộ máy trong hệ thống chính trị.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sáng 7/5.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn Quảng Trị đề nghị bổ sung một điều của Dự thảo Luật theo hướng: Dự thảo Luật cần điều chỉnh tất cả mọi đối tượng trong độ tuổi và ngoài độ tuổi, người lao động trong khu vực công, khu vực tư kể cả cán bộ công chức, viên chức. Theo ông Hà Sỹ Đồng, “bản thân cán bộ công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp khi vì lý do nào đó mặc dù còn khả năng lao động nhưng phải rời khỏi công vụ. Do vậy, chính sách việc làm quy định trong Dự thảo Luật này cần quan tâm đội ngũ này”.
Giải trình trước Quốc hội về nội dung đại biểu quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát cụ thể hóa của Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết 66, 68 và Nghị quyết 57 theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Về bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách việc làm, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát mục tiêu của chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện chính sách, tính công bằng để tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng: Việc làm là một trong ba trụ cột phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có các khái niệm như việc làm hiệu quả, việc làm đầy đủ, việc làm hợp lý và việc làm bền vững và vấn đề giải quyết việc làm cũng như phát triển thị trường lao động ở tất cả các thành phần kinh tế, từ mỗi tổ chức, cá nhân, không bị hạn chế về mặt thời gian. Bà Nguyễn Thị Thanh lưu ý cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần “Rà soát lại các quy định về các cơ sở dữ liệu về việc làm, các điều kiện để hưởng các chính sách, bổ sung các đối tượng để hưởng các chính sách trong đó vấn đề vay vốn, bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng nghề phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và việc thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy tinh, gọn, mạch, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.”
Dự kiến, sau khi chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua vào chiều ngày 11/06/2025 – ngày đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp Quốc hội thứ 9, Quốc hội Khóa XV.