Đề xuất cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xây dựng đường sắt đô thị
Chiều 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường, Quốc hội nghe báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
![Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến trong 4 năm đầu khai thác cũng sẽ phải bù lỗ khoảng 778 triệu USD](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_578_51475690/e7fdac399e7777292e66.jpg)
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến trong 4 năm đầu khai thác cũng sẽ phải bù lỗ khoảng 778 triệu USD
Dự án không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư
Trình bày tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho hay, dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt và đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Đó là nhóm chính sách về: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP. Hồ Chí Minh.
Về huy động vốn, dự thảo nghị quyết quy định trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), hằng năm cho địa phương; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác mà không phải theo thứ tự ưu tiên; huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không phải lập đề xuất dự án. HĐND thành phố có trách nhiệm bố trí KHĐTCTH, hàng năm vốn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngày 19/2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tại tổ vào ngày 14/2 và tại hội trường vào ngày 15/2. Ngày 19/2, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Các dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch KHĐTCTH, mức vốn bố trí mỗi kỳ KHĐTCTH phù hợp với tiến độ thực hiện từng dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của các dự án sang kỳ KHĐTCTH tiếp theo.
Về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, dự án đường sắt đô thị không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà được thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư. UBND Thành phố được quyết định: việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án; quyết định gia hạn thời gian thực hiện khi tổng mức đầu tư không tăng mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án; quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phí tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư; được ứng trước ngân sách địa phương năm sau để thực hiện dự án đáp ứng tiến độ…
Ở nhóm chính sách áp dụng riêng cho TP. Hồ Chí Minh, dự thảo quy định tương tự như với TP. Hà Nội đã được quy định tại Luật Thủ đô. Cụ thể: thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD; huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị; UBND Thành phố được tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường.
Cân nhắc việc thực hiện chỉ định thầu
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đánh giá, các nhóm chính sách Chính phủ đề xuất được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép trong thời gian qua tại Luật Thủ đô, Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Do đó, Ủy ban cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý về một số nội dung. Tại khoản 7 Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án. Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với việc chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp, do tính chất đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ của loại dự án này, tuy nhiên đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.
Về lập tổng mức đầu tư, dự thảo gói thầu, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dự thảo Nghị quyết xác định có 2 loại dự án là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD. Theo đó, tại điểm a xác định loại dự án được áp dụng chính sách là dự án đường sắt đô thị và dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, tuy nhiên tại điểm b, c lại chỉ xác định là dự án. Mặt khác, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chỉ cho phép áp dụng chính sách này đối với dự án tuyến đường sắt, không bao gồm dự án thuộc khu vực TOD. Do đó, đề nghị thuyết minh, làm rõ.
Đối với việc phát triển mô hình TOD, Ủy ban Kinh tế băn khoăn một số quy định tại dự thảo Nghị quyết có phần trùng lặp và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết sẽ làm vô hiệu hóa, mất ý nghĩa của các quy hoạch và có thể dẫn đến các tác động tiêu cực về sau. Do đó Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
Đầu tư hơn 8,3 tỷ USD cho đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Cũng trong chiều ngày 13/2, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án với điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện. Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha. Hình thức đầu tư là đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (8,369 tỷ USD). Nguồn đầu tư là ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương), nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Địa điểm thực hiện dự án: tại 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa, đường đơn, khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa; đoạn tuyến chính tốc độ thiết kế 160 km/h; đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120 km/h; các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80 km/h.
Dự kiến dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2030.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nhu cầu vận tải của tuyến này còn chưa cao và hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã có tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt hiện hữu (khổ 1.000 mm) cùng khai thác thì việc đề xuất đầu tư phân kỳ dự án là phù hợp và việc đầu tư hoàn thiện sẽ được nghiên cứu khi có nhu cầu.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến trong 5 năm đầu tiên khai thác, doanh thu dự kiến chỉ bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, phương tiện, Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 109,36 triệu USD trong 5 năm cho chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế bố trí cho hệ thống đường sắt như bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay.
Ngoài ra, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến trong 4 năm đầu khai thác cũng sẽ phải bù lỗ khoảng 778 triệu USD, như vậy, riêng 2 dự án này Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 887,36 triệu USD.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau.