Đề xuất chuẩn hóa bữa ăn học đường

Cần tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường và đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, nhà trường, doanh nghiệp chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt lần thứ 2 diễn ra ngày 12/10, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cho rằng, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng. Đó là suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Điều tra toàn quốc năm 2023 cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18,2%, tỉ lệ này cao hơn ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (24,8%), Tây Nguyên (25,9%).

Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, nhất là thừa cân, béo phì ở nhóm 5-19 tuổi, gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020 (tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm).

Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 đã đặt mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường, trong đó kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em, nhất là ở khu vực thành thị.

Đồng thời, tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với mục tiêu 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn theo khuyến nghị vào năm 2025 và phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh Việt Nam đã đạt kết quả tích cực. Mô hình này do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn TH triển khai tại 10 tỉnh thành trên cả nước (Sơn La, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, TPHCM, An Giang), đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam.

Mô hình có 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, sử dụng sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi, giúp học sinh tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực.

Sau can thiệp, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm, chiều cao và cân nặng của của trẻ mầm non và tiểu học đều tăng.

Với hiệu quả thí điểm trên, PGS Đề cho rằng cần nhân rộng mô hình và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, nhà trường, doanh nghiệp tham gia chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.

Về kinh nghiệm quốc tế, GS Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, cho biết năm 1954, Nhật Bản cũng đã ban hành Luật Bữa trưa học đường. Năm 2005, Chính phủ Nhật Bản cũng đã ban hành Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng.

Đến nay, 99% các trường tiểu học và 91,5% các trường trung học cơ sở tại Nhật đã áp dụng chương trình này. Kết quả, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể, tầm vóc, chiều cao trung bình của thanh niên Nhật Bản tăng trưởng vượt bậc.

Theo các chuyên gia, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong giai đoạn dưới 12 tuổi. Đây chính là thời điểm quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực.

HM

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-chuan-hoa-bua-an-hoc-duong-102241012164454569.htm
Zalo