Đề xuất cho phép giao dịch tài sản và tiền mã hóa trong trung tâm tài chính từ 1/7/2026

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam (trung tâm tài chính). Dự thảo đề xuất các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính được thực hiện từ ngày 1/7/2026..

Nhiều hạng mục trong trung tâm tài chính dự kiến vận hành từ 1/1/2026.

Nhiều hạng mục trong trung tâm tài chính dự kiến vận hành từ 1/1/2026.

Theo Dự thảo này, trung tâm tài chính khu vực được đặt tại TP. Đà Nẵng; trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh; tại Điều 12, đề cập tới chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối tại trung tâm tài chính.

KHÔNG HẠN CHẾ TỶ LỆ SỞ HỮU NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG CÓ TRỤ SỞ TẠI TRUNG TÂM TÀI CHÍNH

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và các quan hệ giao dịch khác giữa các tổ chức, cá nhân trong Trung tâm tài chính quốc tế được phép thực hiện bằng Đồng Việt Nam hoặc các ngoại tệ tự do chuyển đổi. Các giao dịch ngoại hối giữa chủ thể trong trung tâm tài chính với các chủ thể tại nước ngoài và phần còn lại của quốc gia thực hiện theo quy định hiện hành.

Các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có trụ sở tại trung tâm tài chính không bị áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong trung tâm tài chính hoặc dịch vụ xuyên biên giới.

Lộ trình áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về ngân hàng (như Basel III) bắt đầu triển khai tại trung tâm tài chính từ 1/1/2026.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng tiền tự do chuyển đổi là đồng tiền của một nước hội viên mà IMF nhận thấy đồng tiền đó được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế và được mua bán rộng rãi trên thị trường ngoại hối chủ chốt. Những đồng tiền tự do chuyển đổi hiện nay là Đô la Mỹ, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.

Việc hình thành mô hình ngân hàng số từ các ngân hàng thương mại sẽ được bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2026. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Điều 12.

Điều 13 Dự thảo Nghị quyết đề cập chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Theo đó, Ủy ban quản lý, điều hành trung tâm tài chính có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro đối với thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong hoạt động fintech, bao gồm cả sàn giao dịch đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Các giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong trung tâm tài chính sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2026.

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 13, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Một, các biện pháp về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Hai, việc kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn mạng đối với tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản mã hóa; cách thức quản lý, xử lý đối với việc phát hành, sở hữu và giao dịch các NFT.

Ba, cách thức quản lý, xử lý đối với việc phát hành, sở hữu và giao dịch các token tiện ích.

Bốn, biện pháp quản lý đối với các hoạt động “đào” tài sản mã hóa nhằm hạn chế rủi ro đối với an ninh năng lượng và môi trường.

Năm, các nội dung khác có liên quan đến quản lý, hoạt động của các giao dịch có liên quan tới hoặc thực hiện bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

LẬP SÀN GIAO DỊCH CHUYÊN BIỆT CHO TRUNG TÂM TÀI CHÍNH

Điều 14 Dự thảo Nghị quyết đề cập tới chính sách tài chính, phát triển thị trường vốn.

Theo đó, hoạt động tài chính xanh trong phạm vi trung tâm tài chính (như mua bán tín chỉ các- bon, tài trợ vốn cho các dự án xanh...) được áp dụng ưu đãi như đối với lĩnh vực thuộc Danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh hoặc chuyển trụ sở, văn phòng đại diện đến trung tâm tài chính Việt Nam được áp dụng ưu đãi như đối với lĩnh vực thuộc Danh mục ưu đãi đầu tư.

Việc đăng ký, lưu ký, giao dịch và thanh toán bù trừ chuyên biệt cho chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán của trung tâm tài chính được thực hiện theo thông lệ của các trung tâm tài chính lớn.

Các chủ thể trong trung tâm tài chính được tự do lựa chọn áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán, tài chính, báo cáo tài chính. Trường hợp đã thực hiện theo chuẩn mực quốc tế thì không cần thực hiện theo quy định trong nước.

Việc thành lập sàn giao dịch chuyên biệt cho trung tâm tài chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech), sẽ được thực hiện theo quy trình, thủ tục hành chính được đơn giản hóa và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2026.

Việc phát triển thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm cho trung tâm tài chính sẽ được thực hiện với quy trình, thủ tục được đơn giản hóa bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2026.

Quốc hội giao Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin thị trường minh bạch và chuyên sâu; cải thiện cơ cấu và quy định quản lý rủi ro để tăng tính cạnh tranh, bao gồm quản lý rủi ro hoạt động (ORM), quản lý rủi ro thị trường (MRM), đặc biệt là quản lý rủi ro tín dụng (CRM).

Hoàng Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-cho-phep-giao-dich-tai-san-va-tien-ma-hoa-trong-trung-tam-tai-chinh-tu-1-7-2026.htm
Zalo