Đề xuất chính sách giải phóng mặt bằng cho điện hạt nhân

Tại phiên thảo luận tại hội trường về các cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Sáng ngày 17/2, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Sẵn sàng thực hiện dự án

Phát biểu tại hội trường, ông Trần Quốc Nam – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ở trung ương, các địa phương và Nhân dân cả nước đã luôn quan tâm phân bổ nguồn lực hỗ trợ nhiều mặt để Ninh Thuận từ tỉnh thuộc nhóm khó khăn nhất cả nước đến năm 2024 thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 4.000 USD/năm, GRDP trung bình 4 năm qua (2021-2024) tăng trung bình khoảng 9% - thuộc nhóm tỉnh tăng trưởng cao của cả nước. Năng lượng tái tạo với tổng công suất trên 3.700MW đứng đầu cả nước, tạo động lực để Ninh Thuận tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Ông Trần Quốc Nam – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: QH

Ông Trần Quốc Nam – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: QH

Thành quả trên đã tiếp thêm năng lực mới tạo đột phá không chỉ của Ninh Thuận mà cho cả nước, theo đó Trung ương, Quốc hội đã quyết định tiếp tục tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận”- ông Trần Quốc Nam cho hay.

Ngày 25/11/2009, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW.

Ông Trần Quốc Nam cho biết: "Từ khi Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân, đến nay đã hơn 15 năm, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế để thực hiện dự án. Nhân dân đang chờ đợi sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở đất sản xuất, sinh kế… cho nhà nước để triển khai thực hiện dự án".

Đề nghị có chính sách ưu tiên cho giải phóng mặt bằng

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhân dân vùng dự án chỉ có một nguyện vọng đó là đề nghị nơi ở mới của bà con phải thực sự tốt hơn, tốt nhất có thể, đời sống của bà con hiện nay và các thế hệ mai sau phải thật sự ổn định, ấm no, hạnh phúc.

Đây cũng là mong muốn và căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhân chuyến về thăm tỉnh Ninh Thuận và bà con vùng dự án vào đầu tháng 12/2024 ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng cả 2 nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư.

Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 17/2. Ảnh: QH

Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 17/2. Ảnh: QH

Thời gian qua, Ninh Thuận đã tiến hành ngay các công việc với tinh thần xuyên suốt đó là “ Việc gì làm được thì làm ngay không chờ đợi”.

Các công việc thực hiện dự án của tỉnh, chủ đầu tư, bộ, ngành Trung ương trong thời gian qua đã triển khai khi quyết tâm quyết liệt để đến năm 2030 - 2031 hoàn thành tốt các nhà máy theo chỉ đạo của Trung ương. Đối với Ninh Thuận cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù trên là hết sức cần thiết, cấp bách”- ông Trần Quốc Nam khẳng định và cho biết tại Tờ trình số 74/TTr-CP của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, tại Khoản 9, Điều 3, tỉnh Ninh Thuận có 7 nội dung đề xuất, tỉnh đã có đề nghị bổ sung thêm 5 nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đây là những nội dung quan trọng cần phải có để tỉnh thực hiện ngay được công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 95 của Luật Đất đai quy định ổn định trước ngày 1/7/2024 rất khó khăn vì từ năm 2009 đã dừng các hoạt động sản xuất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu tư, xây dựng, sang nhượng… do có chủ trương làm nhà máy điện hạt nhân.

Cũng theo ông Nam, đất khu vực dự án là mặt biển có giá trị cao của người dân nếu thu hồi không đền bù hợp lý rất khó khăn. Ngoài ra, bà con vùng dự án đã dừng sản xuất trong thời gian dài có nhiều thiệt thòi, do đó cần bổ sung thêm nội dung trên và giao địa phương chịu trách nhiệm.

Đây là những nội dung đã được các đơn vị, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và có kiến nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã họp thẩm tra bổ sung trình Quốc hội”- ông Nam nhấn mạnh.

Vị đại biểu tỉnh Ninh Thuận tin tưởng rằng, việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thật sự an toàn, thành công, nhân dân tin tưởng tuyệt đối, nhất là bà con vùng dự án di dời có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tiếp thêm niềm tin, sự lan tỏa… để triển khai các dự án tiếp theo.

Đảng bộ, nhân dân tỉnh Ninh Thuận vùng dự án với tinh thần quyết tâm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ Quốc hội và các vị đại biểu sẽ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và công việc được giao, đảm bảo tiến độ được giao

"Ninh Thuận vì cả nước và cùng cả nước hoàn thành nhiệm vụ công trình trọng điểm đặc biệt quan trọng để đất nước phồn vinh, hạnh phúc"- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận khẳng định.

Trong 5 nhóm chính sách đặc thù được Ninh Thuận đề xuất, trong đó đáng chú ý Ninh Thuận đề xuất cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đối với người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận mà đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận như đối tượng người được sử dụng có giấy chứng nhận. Cùng với đó cho áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở mức cao nhất theo quy định nhân với 1,5 lần.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-chinh-sach-giai-phong-mat-bang-cho-dien-hat-nhan-374157.html
Zalo