Đề xuất chi 91.000 tỷ đồng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 tuổi

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chi 91.000 tỷ đồng từ năm 2026 đến năm 2035 để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 3 nhóm giải pháp để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi (ảnh minh họa)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 3 nhóm giải pháp để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi (ảnh minh họa)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi.

Dự thảo nghị quyết đề xuất quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.

Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030 (mức độ 1), đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi cho trẻ em mẫu giáo (mức độ 2) vào năm 2035.

Có 3 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Nhóm thứ nhất là các chính sách hỗ trợ cho trẻ. Bộ đề xuất hỗ trợ chi phí học tập với trẻ từ 3 - 5 tuổi, là con công nhân (có hợp đồng lao động) ở các khu công nghiệp. Hiện học phí với nhóm này ở các địa phương từ 10.000 - 220.000 đồng/tháng. Riêng trẻ 5 tuổi được miễn học phí.

Ngoài ra, tiền ăn trưa được nâng từ 160.000 đồng lên 360.000 đồng 1 tháng với trẻ ở thôn, xã, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những trẻ không có nguồn nuôi dưỡng; gia đình nghèo, cận nghèo; là con liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, hoặc trẻ khuyết tật cũng thuộc diện này.

Nhóm thứ hailà các chính sách dành cho nhà giáo. Theo đó, giáo viên mầm non công lập được tuyển dụng từ năm học 2025 - 2026 được hưởng trợ cấp thu hút, chi trả một lần tối thiểu bằng 12 tháng lương cơ sở (hiện khoảng 28 triệu đồng). Người được tuyển dụng phải cam kết công tác ít nhất 5 năm.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non (không gồm cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài) cũng được hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ cập.

Nhóm giải pháp thứ balà đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, hải đảo.

Theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện là hơn 91.000 tỷ đồng, từ năm 2026 đến năm 2035, gồm ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 7 năm nay.

Hiện, bậc mầm non phổ cập với trẻ 5 tuổi. Từ năm 2017, tất cả địa phương đã hoàn thành và duy trì đến nay, huy động được trên 99% trẻ 5 tuổi đến trường; bảo đảm cơ sở vật chất, giáo viên để thực hiện chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hàng năm, trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại khoảng 15.000 trường và 17.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Trong số này, 4,5 triệu bé trong độ tuổi 3 - 5. Tỷ lệ huy động ở nhóm nhà trẻ (3 - 36 tháng tuổi) đạt 34,6%, mẫu giáo (3 - 5 tuổi) đạt 93,6%.

TB (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/de-xuat-chi-91-000-ty-dong-pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-tu-3-tuoi-409082.html
Zalo