Chạy đua công nghệ nhưng Mỹ hay Trung Quốc vượt trội trong sử dụng AI?

Cuộc đua này sát sao hơn nhiều so với những gì mà người Mỹ có thể biết, theo tờ The Economist...

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để giành quyền thống trị AI. Ảnh: X Screengrab

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để giành quyền thống trị AI. Ảnh: X Screengrab

Mỹ hay Trung Quốc giỏi hơn trong công nghệ của tương lai là câu hỏi này được bàn tán sôi nổi trong nhiều năm qua. Washington sở hữu công ty trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất thế giới – OpenAI trong khi Bắc Kinh lại nắm trong tay DeepSeek – một mô hình phát triển gần như tương đương về chất lượng và thậm chí có giá rẻ hơn so với đối thủ.

Tuy nhiên, theo tờ The Economist, người chiến thắng thực sự trong cuộc đua AI có thể không phải là quốc gia tạo ra những mô hình tốt nhất mà nằm ở việc ứng dụng AI ở quy mô lớn liên tục.

Xét đến các yếu tố như tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự, việc phổ cập công nghệ cuối cùng lại có ý nghĩa quan trọng hơn so với đổi mới công nghệ. Và bởi vậy, cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung dường như đang sát sao hơn nhiều so với điều mà nhiều người Mỹ nghĩ.

TRUNG QUỐC TĂNG TỐC

Một quan điểm phổ biến ở phương Tây cho rằng Trung Quốc giỏi phát minh công nghệ mới hơn là triển khai. Nước này đã đầu tư mạnh vào các viện nghiên cứu, tạo ra nhiều đột phá khoa học. Trong thập niên 2010, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa số bằng sáng chế mới trên toàn cầu nhưng Bắc Kinh vốn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các sáng chế đó vào thực tế.

Trong một bài nghiên cứu gần đây, ông Jeffrey Ding thuộc Đại học George Washington sử dụng dữ liệu năm 2020 từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) để ước tính rằng, Trung Quốc đứng thứ 14 thế giới về đổi mới công nghệ, nhưng chỉ xếp hạng 47 về khả năng áp dụng công nghệ.

“Cách tiếp cận tập trung vào phổ cập cho thấy Trung Quốc còn lâu mới trở thành siêu cường về khoa học và công nghệ”, ông Ding nhận định. Nguyên nhân là bởi Trung Quốc chậm phát triển mối liên kết giữa giới học thuật và ngành công nghiệp, vẫn khép kín với chuyên môn nước ngoài.

Cùng với đó, hệ thống chính trị cứng nhắc, tâm lý sợ rủi ro và các động lực thị trường không rõ ràng là những nguyên nhân góp phần. Trong khi đó, Mỹ từ trước đến nay nổi bật cả trong việc sáng tạo lẫn phổ cập công nghệ mới, từ điện đến ô tô.

Nhiều người cho rằng, Trung Quốc cũng sẽ chậm chạp trong việc áp dụng AI. Nền kinh tế của nước này, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào sản xuất và nông nghiệp so với Mỹ, dường như có ít công ty hơn có thể hưởng lợi từ công nghệ này. Điện toán đám mây cũng ít được các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng hơn so với doanh nghiệp Mỹ, khiến Bắc Kinh thiếu nguồn lực tính toán có thể mở rộng quy mô.

Một số dữ liệu đã cho thấy điều này. Điểm số của Mỹ trong “chỉ số sẵn sàng cho AI” của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cao hơn Trung Quốc 20%. Vào tháng 10 năm ngoái, công ty tư vấn Capital Economics công bố một bảng xếp hạng tương tự, xếp Mỹ ở vị trí đầu tiên và Trung Quốc bỏ xa phía sau. Ngân hàng Goldman Sachs từng dự đoán rằng đến năm 2030, 30% doanh nghiệp Trung Quốc sẽ áp dụng AI trong khi con số này tại Mỹ là 40%.

Tuy nhiên, lợi thế của Mỹ không có khoảng cách lớn như nhiều người vẫn nghĩ. Trung Quốc đang bắt kịp rất nhanh trong việc áp dụng công nghệ. Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trung Quốc hiện xếp thứ 32 toàn cầu về phổ cập công nghệ, tăng 15 bậc so với năm 2020.

Từ xe điện đến mã QR và robot phục vụ phòng, người tiêu dùng Trung Quốc tiếp xúc với công nghệ tiên tiến nhiều hơn người tiêu dùng Mỹ. Một số nhân vật trong ngành công nghệ giờ tin rằng Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là hình mẫu về ứng dụng công nghệ.

Như ông Han Jizhong thuộc Viện Khoa học Trung Quốc lập luận vào năm 2023 rằng: “Chúng ta (người Trung Quốc) vượt qua người Mỹ trong nhiều công nghệ không phải vì những bước đột phá tiên phong, mà nhờ năng lực ứng dụng hình thành từ quy mô thị trường khổng lồ”.

Trung Quốc đang bắt kịp rất nhanh trong việc áp dụng công nghệ. Ảnh: China Daily

Trung Quốc đang bắt kịp rất nhanh trong việc áp dụng công nghệ. Ảnh: China Daily

Các nhà đầu tư cũng bắt đầu đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có áp dụng AI nhanh hơn không. Một số ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley, đã xây dựng chỉ số giá cổ phiếu của các công ty được kỳ vọng sẽ đạt năng suất cao hơn nhờ áp dụng AI.

Chẳng hạn, chỉ số của Goldman cho Mỹ bao gồm Walgreens Boots Alliance, một chuỗi nhà thuốc hy vọng dùng AI để quản lý đơn thuốc. Trong khi đó, chỉ số của Morgan Stanley cho Trung Quốc có China Literature, một nhà xuất bản dùng mô hình AI để hỗ trợ nhà văn, và Transsion Holdings, hãng sản xuất điện thoại đã tích hợp trợ lý AI vào thiết bị của mình.

Kết quả là trong khi các công ty được kỳ vọng hưởng lợi từ AI ở Mỹ đang có diễn biến thị trường kém hơn so với thị trường chung, thì ở Trung Quốc, nhóm công ty này lại vượt trội hơn.

Dữ liệu so sánh giữa các quốc gia về việc áp dụng AI còn khan hiếm nhưng khi xét đến số tiền mà các công ty lớn chi tiêu cho công nghệ này, có thể thấy Mỹ đang dẫn trước.

Các công ty Mỹ là những khách hàng lớn của phần mềm doanh nghiệp – như ứng dụng quản lý nhân sự và kế toán. Nhiều nhà cung cấp phần mềm này, ví dụ như Salesforce và Microsoft, đang tích hợp AI vào sản phẩm.

Thị trường phần mềm doanh nghiệp của Trung Quốc chỉ bằng 1/10 quy mô thị trường của Mỹ, và “không thật sự sôi động”, theo lời ông Chi Ping Lau, Chủ tịch tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent, khi giải thích lý do tại sao doanh số AI của công ty thấp hơn so với các đối thủ Mỹ.

Tuy nhiên, doanh số AI có thể thổi phồng khoảng cách dẫn trước của Mỹ, vì một đồng đô la chi tiêu cho dịch vụ AI tại Trung Quốc sẽ mang lại giá trị nhiều hơn một đồng chi tiêu tại Mỹ.

Nguyên nhân là bởi giá tại Trung Quốc thấp hơn nhờ vào cuộc chiến giá đang diễn ra giữa các công ty điện toán đám mây trong nước, cũng như việc hầu hết các mô hình AI Trung Quốc đều là mã nguồn mở. Năm ngoái, ByteDance, một công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc, đã giảm giá chatbot Doubao tới 99% so với ChatGPT của OpenAI.

Một cách khác để đo lường việc áp dụng là thông qua khảo sát. Năm ngoái, một nghiên cứu của công ty công nghệ Mỹ IBM cho thấy 50% công ty Trung Quốc đã sử dụng AI, so với một phần ba các công ty Mỹ. Nghiên cứu của McKinsey, một công ty tư vấn, cho thấy 19% người dân Trung Quốc dùng AI tại nơi làm việc, trong khi tỷ lệ này ở Bắc Mỹ chỉ là 12%. Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ doanh nghiệp Trung Quốc có chính sách cụ thể cho việc sử dụng AI sinh ngữ cao hơn đáng kể so với doanh nghiệp Mỹ.

NHỮNG ‘CON ÁT CHỦ BÀI’ CỦA TRUNG QUỐC

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc dường như đang tập trung vào ba lĩnh vực chính của nền kinh tế, bao gồm khu vực công, công nghệ tiêu dùng và phần cứng công nghiệp.

Ứng dụng AI đang được trải dài trên các khu vực kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Ứng dụng AI đang được trải dài trên các khu vực kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Với khu vực nhà nước, theo một ước tính, lĩnh vực này chiếm khoảng một nửa nhu cầu sử dụng mô hình AI của DeepSeek. Nhờ sự khuyến khích từ chính phủ, các chính quyền địa phương đã bắt đầu sử dụng AI vào nhiều hoạt động khác nhau, từ chuẩn hóa hồ sơ bệnh viện cho đến trả lời thắc mắc của người dân và tìm kiếm người mất tích.

Sự ủng hộ từ nhà nước có thể đang tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các nhóm khác mạnh dạn ứng dụng công nghệ. Nhóm thứ hai là người tiêu dùng, những người dường như sẵn sàng thử nghiệm AI hơn so với người Mỹ. Nguyên nhân đơn giản là giá cả thấp khi cạnh tranh khốc liệt khiến hầu hết chatbot AI ở Trung Quốc đều miễn phí.

Một lý do khác là vấn đề niềm tin. “Người dân Trung Quốc lạc quan hơn về khả năng công nghệ cải thiện cuộc sống của họ”, bà Tilly Zhang thuộc công ty tư vấn Gavekal Dragonomics nhận định.

Niềm tin này còn được củng cố bởi việc một số mô hình AI phổ biến ở Trung Quốc, như R1 của DeepSeek, công khi cách thức suy luận, giúp giảm bớt lo ngại về việc AI "hoang tưởng" hay suy diễn vô lý, theo bà Wei Sun từ công ty phân tích Counterpoint.

Việc tung ra các tính năng AI hướng đến người tiêu dùng ở Mỹ cũng rủi ro hơn so với Trung Quốc. Một doanh nhân đang cố gắng bán các dịch vụ AI cho công ty Mỹ than phiền rằng luật sư thường là rào cản, với các lo ngại liên quan đến quyền riêng tư và bản quyền.

Những lo ngại này hiếm thấy ở Trung Quốc – nơi việc thực thi bản quyền và bảo vệ dữ liệu còn yếu. Các công nghệ như thanh toán bằng mã QR — vốn thường yêu cầu truy cập dữ liệu cá nhân — đã được áp dụng rộng rãi, và người tiêu dùng Trung Quốc dường như sẵn sàng cung cấp dữ liệu cá nhân chỉ để mua một tách cà phê. Tuy nhiên, môi trường quản lý lỏng lẻo này có thể thay đổi nhanh chóng nếu một sản phẩm AI bị nhà nước siết chặt.

Dây chuyền sản xuất tự động trong nhà máy thông minh tại Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Dây chuyền sản xuất tự động trong nhà máy thông minh tại Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Sau chính phủ và người tiêu dùng, lĩnh vực sản xuất là khách hàng lớn thứ ba của dịch vụ AI tại Trung Quốc. Điều này cho thấy một sự khác biệt rõ rệt so với Mỹ.

Theo phân tích từ công ty dữ liệu PitchBook, chỉ 3% vốn đầu tư mạo hiểm cho AI ở Mỹ đổ vào ngành sản xuất trong năm 2024. Ở Trung Quốc, con số tương ứng là 43%. Một số nhà công nghiệp ở châu Á nhận định rằng, sản xuất chính là lĩnh vực nơi Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ nhiều nhất về mức độ ứng dụng AI.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường từng kêu gọi kết hợp công nghệ số với thế mạnh sản xuất và thị trường nội địa của Trung Quốc. Hiện tại, nước này nắm giữ gần 30% thị phần sản xuất toàn cầu, tăng từ 20% vào năm 2011. Trung Quốc có số lượng robot công nghiệp trên mỗi lao động sản xuất nhiều hơn hầu hết các quốc gia giàu có.

Giờ đây, Bắc Kinh thậm chí còn đang tiến xa hơn trong những lĩnh vực mới. Tháng 2 vừa qua, hãng xe điện BYD đã ra mắt công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến mà không tính thêm phí trong khi Tesla, biểu tượng xe điện Mỹ, tính phí khoảng 9.000 USD cho tính năng tương tự. Các công ty như Unitree và EngineAI chế tạo robot có thể nhảy múa và biểu diễn kungfu. Các nhà đầu tư đã bị “choáng ngợp” khi cổ phiếu của những công ty robot hình người hàng đầu Trung Quốc đã tăng 1/3 chỉ trong năm nay.

PHẦN MỀM VÀ SỨC MẠNH CỨNG

AI đặc biệt hữu ích trong bối cảnh Mỹ đang áp đặt các lệnh trừng phạt với nhập khẩu công nghệ cao của Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2019 – 2023 theo số liệu mới nhất, nhập khẩu thiết bị sản xuất từ Mỹ vào Trung Quốc đã giảm hơn 20% (theo giá thực), khiến các công ty Trung Quốc không thể tiếp cận các phần cứng mới nhất.

Tuy nhiên, các phần mềm tốt hơn được hỗ trợ bởi AI cho phép doanh nghiệp tận dụng tối đa những thiết bị cũ. Các cảm biến AI có thể phát hiện thời điểm máy móc sắp hỏng hay những công cụ khác giúp giảm tiêu thụ năng lượng. Từ dữ liệu kinh tế Trung Quốc, có thể ước tính ngành sản xuất nước này hiện đang mua lượng phần mềm gấp đôi so với một thập kỷ trước.

Tuy vậy, Mỹ vẫn nắm giữ một lợi thế lớn: sức mạnh tài chính thuần túy. Năm nay, bốn gã khổng lồ công nghệ của Mỹ - Amazon, Alphabet, Microsoft và Meta – sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ USD vào các công nghệ mới, trong đó phần lớn là AI. Trong khi đó, bốn công ty hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Baidu, ByteDance và Tencent, sẽ đầu tư tổng cộng chỉ bằng 1/6 con số đó.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích dữ liệu Dell’Oro Group, chi tiêu của Washington cho máy chủ AI trong năm ngoái cao gấp gần bốn lần so với Bắc Kinh và nước này cũng có số lượng trung tâm dữ liệu gấp 10 lần đối thủ. Tất cả điều này có thể giúp năng lực AI của Mỹ ngày càng vượt xa so với Trung Quốc.

Nhưng sự xuất hiện của DeepSeek – doanh nghiệp đã đạt được trình độ AI tiên tiến với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các đối thủ Mỹ - cho thấy tiền bạc không phải là tất cả. Nhiều người trong ngành AI Trung Quốc cho rằng Mỹ đang chi tiêu quá mức và thậm chí tốc độ xây dựng trung tâm dữ liệu tại đây có thể vượt quá nhu cầu ban đầu cho các dịch vụ AI.

Cuộc đua AI sẽ không được quyết định tại những cụm công nghệ cao như Palo Alto hay Hàng Châu. Thay vào đó, cuộc đua ấy sẽ được định đoạt tại những nơi như Dayton và Trịnh Châu – nơi các doanh nghiệp và người tiêu dùng bình thường sử dụng công nghệ để làm nên những điều phi thường.

Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc phổ cập AI như dữ liệu khó tiếp cận và tích hợp, nhiều công ty vẫn chưa được số hóa. Nhưng quan niệm phổ biến cho rằng nước Mỹ sẽ nhanh hơn trong việc tận dụng công nghệ mới này đang dần bị thách thức. Ngay cả khi Mỹ có những mô hình AI tốt nhất thì điều đó có ý nghĩa gì, nếu không đủ người sử dụng chúng?

Mai Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chay-dua-cong-nghe-nhung-my-hay-trung-quoc-vuot-troi-trong-su-dung-ai.htm
Zalo