Đề xuất bổ sung trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong thực hiện kết luận thanh tra
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều ĐBQH đề xuất bổ sung trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong thực hiện kết luận thanh tra. Nội dung báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra bao gồm: tiến độ thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện kết luận...
Sáng 22/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo đó, những nôi dung nhận được sự quan tâm đóng góp của các ĐBQH trong phiên thảo luận bao gồm: giám sát hoạt động thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Các ĐBQH tham dự phiên họp
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trong dự án Luật đã có các quy định về kiểm soát của nội bộ cơ quan thanh tra, cơ quan Nhà nước có tổ chức thanh tra, cơ quan kiểm toán đối với hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, dự án Luật chưa quy định về sự giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan dân cử đối với hoạt động thanh tra. Do đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hoạt động thanh tra chịu sự giám sát, kiểm tra của Đảng; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của cơ quan dân cử, ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung thêm 1 điều quy định về quản lý Nhà nước về thanh tra. Điều này quy định các nội dung như quản lý Nhà nước về thanh tra; Trách nhiệm quản lý Nhà nước về thanh tra, bao gồm: Chính phủ; thanh tra Nhà nước; kiểm toán; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan có chức năng thanh tra, UBND cấp tỉnh và giao Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của các cơ quan, UBND cấp tỉnh.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đồng thuận với quan điểm trên và đóng góp thêm về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang cho biết, tại khoản 1, Điều 32 quy đinh: “Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra (người thực hiện giám sát), trong đó xác định rõ nội dung, thành phần, thời gian và phương thức giám sát. Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra”.
Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị sửa lại là: “Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (người thực hiện giám sát), trong đó xác định rõ nội dung, thành phần, thời gian và phương thức giám sát. Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra hoặc trong quá trình tiến hành thanh tra khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hoạt động của Đoàn thanh tra”.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tuyên Quang
Quy định như vậy sẽ phù hợp với trường hợp người ra quyết định thanh tra ban đầu áp dụng hình thức tự giám sát hoạt động Đoàn thanh tra nhưng trong quá trình thanh tra có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hoạt động của Đoàn thanh tra thì người ra quyết định thanh tra áp dụng hình thức thành lập Tổ giám sát. Việc làm này nhằm tăng cường hiệu quả giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong hoạt động thanh tra.
Bổ sung quy định để có biện pháp xử lý đối với các kết luận thanh tra
Đề cập về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 55), đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn ĐBQH Tp, Hồ Chí Minh nhận thấy, qua quá trình thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra trong thời gian qua nổi lên một số tình huống như:
Thứ nhất, nội dung kiến nghị, xử lý tại thời điểm ban hành kết luận thanh tra phù hợp quy định pháp luật nhưng không khả thi trên thực tế vào thời điểm ban hành kết luận.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Thứ hai, nội dung kiến nghị, xử lý tại thời điểm ban hành kết luận thanh tra phù hợp quy định pháp luật, có tính khả thi nhưng quá trình triển khai kéo dài dẫn đến việc nội dung kết luận thanh tra mất tính khả thi; có sự thay đổi quy định pháp luật dẫn đến việc tiếp tục thực hiện kết luận thanh tra sẽ không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; tình hình kinh tế - xã hội thay đổi; khả năng chấp hành nội dung kết luận của các chủ thể liên quan thay đổi.
Thứ ba, nội dung kết luận thanh tra có điều kiện thực hiện nhưng quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ: nội dung về xử lý tài chính như thẩm định lại giá bán nhà, đất, thẩm định giá trị sản phẩm dở dang, thành phẩm, hàng hóa tồn kho có liên quan đến đất đai; xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bố sung, rà soát theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước; xác định giá trị bồi thường tài sản trên đất; không có đơn vị tham gia dự thầu khi tổ chức chọn đơn vị tư vấn lập chứng thư xác định nghĩa vụ tài chính đối với khu đất... Những nội dung này, ngoài việc cần sự phối hợp của nhiều sở, ngành chuyên môn của Thành phố còn cần sự hướng dẫn của Bộ, ngành cấp trên trong một số trường hợp chưa có quy định cụ thể.
Theo đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân, các trường hợp nêu trên không thuộc các điều kiện để thực hiện việc thanh tra lại như dự thảo quy định tại Điều 24. Do đó, đại biểu đề xuất Thanh tra Chính phủ bổ sung quy định để có biện pháp xử lý đối với các kết luận thanh tra nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kết luận thanh tra, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như: Bổ sung khoản 2, Điều 53 về Trách nhiệm Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong thực hiện kết luận thanh tra. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Nội dung Báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra bao gồm: tiến độ thực hiện kết luận thanh tra; kiến nghị để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong qua trình tổ chức thực hiện kết luận; kiến nghị để ngưng thực hiện các nội dung kết luận không còn khả thi, không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành...
Bổ sung thêm điểm đ, khoản 2, Điều 54 về Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dừng thực hiện các nội dung kết luận vào thời điểm tổ chức thực hiện không còn tính khả thi, không còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành...”
Bổ sung Khoản 2, Điều 56 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó, người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra có trách nhiệm kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, chấm dứt thực hiện các nội dung không còn khả thi, không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện dứt điểm các kết luận, kiến nghị của kết luận thanh tra đã được người có thẩm quyền thống nhất chỉ đạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn, có nhiều nguyên nhân đã dẫn đến việc không thể thực hiện dứt điểm kết luận thanh tra.
Để giải quyết vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị bổ sung quy định để có biện pháp xử lý đối với các kết luận thanh tra còn tồn đọng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các kết luận thanh tra, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến các dự án nhằm phát triển kinh tế- xã hội. Cụ thể như: Bổ sung thêm trường hợp thực hiện thanh tra lại khi có phát sinh các tình huống, nguyên nhân dẫn đến kết luận thanh tra không thể thực hiện được hoặc bổ sung một số quy định vào khoản 2 Điều 53 về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Nội dung báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra bao gồm: tiến độ thực hiện kết luận thanh tra, kiến nghị để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện kết luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng kiến nghị ngưng thực hiện các nội dung kết luận không còn khả thi, không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Bổ sung thêm điểm b, khoản 2, Điều 53 về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước xử lý hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dừng thực hiện các nội dung kết luận vào thời điểm tổ chức thực hiện không còn tính khả thi, không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Bổ sung Khoản 2, Điều 55 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra như người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra có trách nhiệm kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, chấm dứt thực hiện các nội dung không còn khả thi, không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ ý kiến, đề xuất của các ĐBQH
Với những ý kiến đóng góp, đề xuất của các ĐBQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các vấn đề mà ĐBQH quan tâm, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chính sách của Đảng và phù hợp với thực tiễn trong hoạt động thanh tra. Điều này nhằm góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo việc tổng hợp các ý kiến thảo luận của các ĐBQH và gửi đến các cơ quan chức năng để nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo lại các ĐBQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBH, chỉnh lý và hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.