Đề xuất bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng với nhà giáo

Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Các vấn đề về tuyển dụng, các chính sách xếp lương, ưu đãi cho nhà giáo... được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Bổ sung tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào với cơ sở đào tạo nguồn giáo viên

Quan tâm tới quy định về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) nhận thấy, dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.

Đại biểu cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.

Đại biểu cũng nhấn mạnh giáo dục có vai trò quan trọng và nhà giáo là trung tâm, là người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức của các thế hệ người học.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum). Ảnh: Quốc hội

Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo.

Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học. Từ phân tích trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo Luật quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tại Điều 18 quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể...

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Quốc hội

Để đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.

Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không? “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng, vì vậy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) lại đề nghị khi nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, cần vinh danh tại nơi cư trú của nhà giáo. Đây vừa là động lực cho nhà giáo vừa để nhà giáo giữ gìn hình ảnh người thầy phù hợp với danh hiệu của mình.

Theo đại biểu, thời gian gần đây đôi lúc xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo việc hoặc học sinh xúc phạm thầy cô làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh và người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, Ban đại diện phụ huynh, cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, với một số trách nhiệm của nhà giáo, cần bổ sung nội dung có sự phối hợp của phụ huynh và người học. Với quy định về những việc nhà giáo không được làm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, cần bổ sung một nội dung là nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ; được từ chối giảng dạy những nội dung chưa được giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng theo quy định...

Tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa thiếu giáo viên

Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự điều chỉnh của 6 luật gồm: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học.

Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, các nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay và việc kiến tạo các chính sách phát triển đội ngũ đột phá cho sự phát triển, nâng tầm quản lý nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn, không thể quy định chung trong các luật hiện hành nói trên.

Vì vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Góp ý về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, từ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, đại biểu Trần Văn Thức cho biết, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.

Đại biểu đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo và nhấn mạnh, đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa thiếu giáo viên tại các địa phương.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-bo-sung-tieu-chuan-ve-pham-chat-chinh-tri-tu-tuong-voi-nha-giao-180881.html
Zalo