Đề xuất bổ sung quy định phòng ngừa trục lợi chính sách trong phát triển nhà ở xã hội
Các đại biểu chỉ rõ nhiều bất cập trong dự thảo chính sách đặc thù về nhà ở xã hội như tiêu chí chọn chủ đầu tư, cơ chế giá bán và điều kiện thụ hưởng...
Tiêu chí chọn chủ đầu tư quá chặt, dễ làm nghẽn nguồn lực xã hội hóa
Góp ý thảo luận ở Tổ vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn Bắc Ninh cho biết: Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng cấp thiết, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu công nghiệp, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều vướng mắc do cơ chế thiếu linh hoạt, thủ tục kéo dài và chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn Bắc Ninh
Do đó, việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là cần thiết và kịp thời, nhằm tháo gỡ nút thắt pháp lý, tạo đột phá về thể chế và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội một cách thực chất, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, tiêu chí về điều kiện làm chủ đầu tư được quy định tại khoản 3 Điều 5 là chưa hợp lý và dễ dẫn đến thu hẹp nguồn lực đầu tư xã hội hóa.
Cụ thể, yêu cầu chủ đầu tư phải có chức năng kinh doanh bất động sản đảm bảo các điều kiện tài chính nghiêm ngặt, đồng thời phải có kinh nghiệm thực hiện dự án nhà ở xã hội là quá chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tỷ lệ lớn ở các địa phương chưa từng có cơ hội triển khai các dự án tương tự nhưng lại có năng lực tài chính và tinh thần hợp tác cao.
Ông Nguyễn Như So phân tích, thực tế Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư không bắt buộc chủ đầu tư phải có kinh nghiệm tương tự mà chỉ yêu cầu đáp ứng năng lực tài chính và điều kiện hành nghề theo quy định.
Do đó, việc duy trì tiêu chí “đã từng thực hiện dự án nhà ở xã hội” như là điều kiện cứng là không cần thiết và làm giảm đáng kể tính tiếp cận của chính sách.
Về quy định giá bán/thuê mua nhà ở xã hội, ông So cho rằng việc buộc chủ đầu tư hoàn trả phần chênh lệch nếu giá sau kiểm toán thấp hơn hợp đồng, trong khi không được thu thêm nếu vượt là “bất cân xứng”, dễ khiến nhà đầu tư bị lỗ.
Ông đề xuất cho phép ký hợp đồng theo “giá tạm tính”, chỉ hoàn trả chênh lệch vượt ±5% để tăng tính dự đoán và giảm rủi ro.
Về cơ chế hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông cho rằng, dự thảo chưa nêu rõ thời hạn, thủ tục, cơ quan chịu trách nhiệm quyết toán khi chủ đầu tư ứng vốn trước. Điều này khiến nhà đầu tư đối mặt rủi ro dòng tiền và giảm niềm tin hợp tác với chính quyền.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13 sáng ngày 21/5
Ông kiến nghị bổ sung quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải hoàn trả chi phí trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ.
Đồng thời, liên quan đến thời gian áp dụng Nghị quyết chỉ 5 năm theo đại biểu So cũng chưa hợp lý.
“Trong bối cảnh địa phương đang sáp nhập, thay đổi tổ chức bộ máy. Cần kéo dài thời gian thực hiện lên 7 năm, tạo dư địa chính sách ổn định hơn cho cả đầu tư và thực thi”- ông So đề nghị.
Cần quy định phòng ngừa tiêu cực, tránh trục lợi chính sách
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương đồng tình ban hành nghị quyết nhưng nhấn mạnh: “Cần bổ sung quy định giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở tiêu cực tham nhũng tránh trục lợi chính sách gây thất thoát nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương
Đối với đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng cần rà soát chặt để không chồng chéo với Luật Ngân sách nhà nước đang sửa đổi.
Đối với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhà ở xã hội, theo ông Sơn, qua tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội về nhà ở xã hội nhiều ý kiến của cử tri và người dân đã phản ánh về chất lượng công trình kém.
Hiện dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ vai trò năng lực của nhà đầu tư khi được tham gia nhà ở xã hội. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, xem xét kỹ.
Làm rõ điều kiện thụ hưởng khi di chuyển công tác xa
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn Ninh Thuận nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội cho toàn dân, đặc biệt là cán bộ, công chức và người lao động chịu tác động từ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn Ninh Thuận
Bà Hương bày tỏ băn khoăn về khoản 2 Điều 9 trong dự thảo, quy định điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn chưa rõ ràng, thiếu bao quát thực tiễn. Cụ thể, nếu người lao động đã từng mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, khi chuyển đến nơi làm việc cách xa trên 30 km thì không được tiếp tục mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội mới, trong khi người đang sở hữu nhà ở thương mại lại có thể được xem xét nếu di chuyển cùng khoảng cách.
Theo bà Hương, quy định như vậy gây khó khăn không nhỏ cho cán bộ, công chức khi chuyển công tác đến nơi ở mới, bởi những người này thường là đối tượng thực sự gặp khó về chỗ ở. Họ cũng không có quyền chuyển nhượng nhà ở xã hội trong thời gian quy định, nên khi cần di chuyển, lại không đủ điều kiện để mua hoặc thuê mới, mâu thuẫn với mục tiêu an sinh mà chính sách hướng tới.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3 vào sáng ngày 21/5
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi, làm rõ quy định tại khoản 2 Điều 9 theo hướng: Trường hợp người lao động có địa điểm làm việc mới cách nơi có nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình (bao gồm nhà ở xã hội) từ 30km trở lên, thì vẫn được xem xét mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội tại địa điểm mới, với điều kiện chưa từng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại nơi đó.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự thảo còn thiếu tính khả thi và chưa sát thực tiễn. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo, xem xét, rà soát để đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết hướng đến đó là: Nhằm tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản. Từ đó, tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.