Vướng mặt bằng, nhiều dự án thủy lợi 'chôn chân'

Nhiều dự án thủy lợi tại miền Trung, Tây Nguyên đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đúng thời hạn, trong đó có những dự án chuyển tiếp vẫn chưa thể cán đích sau hàng chục năm khởi động đầu tư. Theo các đơn vị chủ đầu tư, tiến độ dự án bị tác động bởi nhiều yếu tố như thay đổi thiết kế, thiếu vốn, đặc biệt là chậm bàn giao mặt bằng.

Dự án Hồ Krông Pách Thượng giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành năm 2026. Ảnh minh họa: Nguyễn Xuân

Dự án Hồ Krông Pách Thượng giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành năm 2026. Ảnh minh họa: Nguyễn Xuân

Trong kỳ báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư quý I/2025 gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), một loạt dự án thủy lợi được báo cáo đang gặp khó khăn, ảnh hưởng đáng kể đến việc quản lý và phát triển thủy lợi.

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (chủ đầu tư), Dự án Hồ Krông Pách Thượng giai đoạn 2 (triển khai trên địa bàn huyện Ea Kar và Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) có tổng mức đầu tư 1.120,4 tỷ đồng, được khởi công tháng 7/2024 và dự kiến hoàn thành năm 2026. Trong giai đoạn này, Dự án tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh tưới còn lại để khai thác hiệu quả nguồn nước và các công trình của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng giai đoạn 1 phục vụ cấp nước tưới cho 12.750 ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi.

Về tiến độ thi công, Chủ đầu tư cho biết, Dự án đang gặp khó khăn lớn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, tổng diện tích đã phê duyệt của 9 phương án giải phóng mặt bằng là 22,94/29,3 ha, còn 6,4 ha đang biến động về ranh nên cần đo đạc, chỉnh lý trích lục bản đồ địa chính. Do đã hết mặt bằng sạch, các nhà thầu thi công Gói thầu số 11-XL (Tổng công ty Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Công ty CP Đầu tư xây dựng Đại An, Công ty TNHH Minh Quang) cũng bị ảnh hưởng về khối lượng hợp đồng, tiến độ giải ngân.

Cùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Dự án Hệ thống kênh mương hồ Ea H’leo 1 cũng đang vướng mặt bằng. Dự án có tổng vốn đầu tư 640,45 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025. Trong các gói thầu xây lắp thuộc Dự án, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (chủ đầu tư phần xây dựng đường ống chính và khu quản lý) cho biết, Gói thầu số 01-XL Xây dựng khu quản lý đã hoàn thành. Tại Gói thầu số 02-XL Thi công xây lắp kênh chính (đường ống) và công trình trên kênh, nhà thầu đang triển khai thi công đồng bộ các hạng mục kênh chính trên phạm vi mặt bằng được giao, gồm công tác đào móng, gia công, chế tạo đường ống thép tại xưởng, triển khai thử áp... Hạng mục đường ống chính đã được bàn giao mặt bằng 7,6/8,82 km, còn vướng khoảng 1,2 km gồm 6 đoạn, không liên tục, ảnh hưởng đến công tác thi công. Một số trường hợp bồi thường, hỗ trợ đã có phương án được duyệt, nhưng chủ thể hưởng đền bù không chịu nhận tiền hỗ trợ, đền bù và bàn giao mặt bằng.

Để đảm bảo hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch, Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính đến hiện trường đẩy nhanh thi công hoàn thiện các phần việc đã có mặt bằng, đủ điều kiện thi công. Đồng thời, đề nghị địa phương sớm bàn giao mặt bằng phần còn lại (1,2/8,82 km) để triển khai thi công đáp ứng tiến độ. Do vướng mặt bằng, Chủ đầu tư đã đề nghị Bộ NN&MT cho phép kéo dài vốn kế hoạch năm 2024 của Dự án (còn lại khoảng 9,1 tỷ đồng) sang năm 2025.

Tại Nghệ An, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng cũng gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc khiến Dự án không thể về đích sau 15 năm triển khai. Dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2009, khởi công năm 2010 với tổng mức đầu tư 4.455 tỷ đồng. Năm 2023, Dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 5.552 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 làm chủ đầu tư cụm công trình đầu mối, Sở NN&MT Nghệ An làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Sở NN&MT Nghệ An cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng, vùng lòng hồ dưới cao trình +71.86 hiện còn 29,3 ha chưa bàn giao. Phần giải phóng mặt bằng để chống ngập khu vực đuôi kênh tiêu Châu Bình chưa thực hiện được vì chưa lựa chọn được phương án xử lý kênh tiêu và chưa có đủ kinh phí chi trả bồi thường. Về hợp phần trạm bơm, đến nay khối lượng còn lại thuộc trạm bơm Làng Rào do vướng giải phóng mặt bằng và dòng chảy thay đổi nên chưa lắp đặt máy bơm.

Tại cuộc họp về tình hình thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đầu tháng 4/2025, lãnh đạo Bộ NN&MT đánh giá, qua theo dõi Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiến độ thực hiện các công việc vẫn rất chậm (điều chỉnh thiết kế cơ sở, công tác cắm mốc trích đo, kiểm kê...), chưa giải ngân được đồng nào trong 764 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2025, nguy cơ không đảm bảo hoàn thành Dự án trước ngày 31/12/2025. Để hoàn thành theo đúng mục tiêu đề ra (cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6/2025 và hoàn thành Dự án trước 31/12/2025), Bộ NN&MT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&MT Nghệ An, các huyện vùng Dự án chịu trách nhiệm toàn diện trong thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tăng cường nhân lực khẩn trương triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành Dự án trước ngày 31/12/2025.

Bộ NN&MT cho biết, trong năm 2025, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, chủ động đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư giải ngân theo kế hoạch đã cam kết. Đồng thời, theo sát công tác chuẩn bị đầu tư từng dự án, song hành thẩm tra, thẩm định ngay từ đầu với chủ đầu tư; giám sát chặt chẽ hợp đồng; định kỳ hàng quý đánh giá năng lực nhà thầu tư vấn, xây lắp, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch năm.

baodauthau.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/vuong-mat-bang-nhieu-du-an-thuy-loi-chon-chan-post369734.html
Zalo