Đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh đối với các chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh và chính sách tài chính đặc thù đối với các chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án "Từng bước đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045" tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án "Từng bước đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045" tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Trần Hiệp

Ngày 23/4, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án "Từng bước đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045".

Chưa có cơ chế học phí riêng đối với chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, kể từ năm 2013, thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, nhà trường đã xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học bằng tiếng Anh hoặc kết hợp với tiếng Anh.

Năm 2013, nhà trường đã có chương trình Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh, Giáo dục tiểu học - Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục Mầm non - Sư phạm tiếng Anh.

Năm 2014, nhà trường tiếp tục mở các chương trình Sư phạm Vật lí, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Tin học (các chương trình đều dạy bằng tiếng Anh).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn cho rằng, số lượng sinh viên theo chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh còn khá khiêm tốn. Mỗi năm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo khoảng 250 sinh viên hệ này, hơn chục năm qua có khoảng 3.000 sinh viên tốt nghiệp. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gặp phải khi chỉ tiêu nhà trường dành cho chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh nằm chung trong chỉ tiêu sư phạm Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho nhà trường.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn cũng chỉ ra một số điểm khó khác trong quá trình thực hiện đào tạo giáo viên dạy môn học bằng tiếng Anh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như sau:

Yêu cầu cao về năng lực đầu vào và áp lực học tập đối với sinh viên theo học các chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh tương đối lớn, nhưng hiện chưa có chính sách hỗ trợ tương xứng về học bổng, học phí hoặc điều kiện học tập.

Đồng thời, chưa có cơ chế học phí riêng đối với chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh.

Tiếp đến là hệ thống tài liệu phục vụ đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh hiện còn thiếu tính chuẩn hóa và đồng bộ; nguồn tài liệu môn học phổ thông bằng tiếng Anh - đặc biệt là những học liệu phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng còn rất hạn chế.

Đội ngũ giảng viên kế cận có năng lực giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh còn ít; hệ thống hỗ trợ, trang thiết bị dạy học trực tuyến còn thiếu hoặc chưa hiện đại, đồng bộ trong khi đây là những yếu tố thiết yếu để triển khai hiệu quả phương pháp dạy học tích hợp nội dung và ngôn ngữ trong bối cảnh hiện đại.

Ngoài ra, các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài - nơi có điều kiện thuận lợi để triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh - thường không sẵn sàng tiếp nhận số lượng lớn sinh viên thực tập...

Từ những khó khăn trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh và chính sách tài chính đặc thù đối với các chương trình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó cần xác lập rõ vai trò và giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy bằng tiếng Anh là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Đồng thời, giao nhiệm vụ đầu mối cho một số trường đại học sư phạm có năng lực thực tiễn, kinh nghiệm để triển khai, nhân rộng mô hình đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng Anh trong mạng lưới đào tạo sư phạm trên toàn quốc.

Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống học liệu bằng tiếng Anh cho các môn học phổ thông, đặc biệt là học liệu phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo giáo viên chủ lực phối hợp biên soạn, thử nghiệm và chia sẻ học liệu mở, đồng thời tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ với các trường phổ thông.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn cũng nhấn mạnh Đề án cần quy định rõ chính sách học phí phù hợp, chế độ phụ cấp cho giảng viên dạy bằng tiếng Anh và hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học chương trình đặc thù.

Nên thiết kế lộ trình riêng biệt cho từng nhóm địa phương và nhóm trường

Để Đề án thực sự khả thi, bà Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh góp ý một số nhóm nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện; khái niệm "hệ sinh thái" ngôn ngữ; cơ chế giám sát học thuật; bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; công tác kiểm tra, đánh giá năng lực ngôn ngữ; tính khả thi của các tiêu chí trong phân loại 3 mức độ sử dụng tiếng Anh...

Bà Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Bà Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, điều kiện giảng dạy tiếng Anh giữa các tỉnh thành và các khu vực miền núi, nông thôn sẽ có sự khác biệt rõ rệt không chỉ ở năng lực đội ngũ mà còn ở cơ sở vật chất, học liệu, môi trường sử dụng ngôn ngữ và sự nhận thức, ủng hộ của phụ huynh.

Việc áp dụng một lộ trình chung, chỉ tiêu chung cho các nhóm đối tượng sẽ dễ dẫn đến tình trạng hình thức hóa ở vùng khó đồng thời tạo áp lực cho đội ngũ nhà giáo. Do đó, nên thiết kế lộ trình riêng biệt cho từng nhóm địa phương và nhóm trường.

Bà Quỳnh Ngọc cũng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của các chương trình đó chính là đội ngũ quản lý địa phương và cấp trường.

"Nếu chỉ tập trung đào tạo giáo viên mà thiếu bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý địa phương và lãnh đạo các cơ sở giáo dục sẽ rất dễ xảy ra tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu định hướng xuyên suốt trong toàn trường.

Vì vậy, cần thiết kế các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý trường học về các nội dung như xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường theo hướng sử dụng tiếng Anh, quản lý hoạt động chuyên môn theo hướng tích hợp, đánh giá nội bộ và đánh giá các hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh...", Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-bo-sung-chi-tieu-tuyen-sinh-doi-voi-cac-chuong-trinh-dao-tao-giao-vien-day-bang-tieng-anh-179250423170702597.htm
Zalo