Đề xuất bỏ án tử hình với tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ dưới góc nhìn chuyên gia
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10/2025.

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh trong đó có tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ nhận được sự đồng tình của các chuyên gia.
8 nhóm tội được đề xuất bỏ án tử
Dự án do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều. So với Bộ luật hiện hành đã giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 6 điều, bỏ 18 điều.
Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh và thay bằng hình phạt "tù chung thân không xét giảm án".
Theo đó, các tội này, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Bộ Công an cho rằng, sau hơn 8 năm thi hành Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt, nhưng bộ luật cũng bộc lộ nhiều vướng mắc. Đặc biệt là các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập, các mức định lượng và loại hình phạt trong khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng. Từ đó dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình gặp khó khăn trên thực tế. Riêng một số tội như "Tham ô tài sản, Nhận hối lộ", tòa ít khi áp dụng hình phạt với bị cáo.
Theo Điều 40 của dự thảo Bộ luật Hình sự, tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy... Không áp dụng hình phạt tử hình với các trường hợp như người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên.
Bộ Công an cũng đề xuất hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn 2 năm với người bị kết án đã tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho bị hại hoặc đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm.
Ngoài ra sẽ không thi hành án tử hình với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người mắc bệnh ung thư, AIDS...
Thể hiện sự hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm
Nhìn nhận từ thực tiễn, TS Luật học Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian qua, mỗi lần sửa đổi Bộ luật Hình sự thì số tội danh có hình phạt tử hình lại giảm đi, phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế. Dù Bộ công an đề nghị bỏ hình phạt tử hình ở tội Tham ô, tội Nhận hối lộ nhưng cũng đề nghị mức hình phạt cao nhất của các tội danh này là tù chung thân và không giảm án.
Mặc dù hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Những hành vi tham ô, nhận hối lộ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, những người thực hiện hành vi này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước.

TS Luật học Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
Mặc dù pháp luật đã quy định định mức hình phạt cao nhất là tử hình nhưng hành vi phạm tội này vẫn diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Bởi vậy, theo ông Cường, vấn đề ở đây không phải là hình phạt mức độ như thế nào mà là phải tích cực các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
"Khi các giải pháp phòng ngừa được thực hiện tốt, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên, hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân được chấp hành nghiêm túc, hạn chế giảm án, tha tù trước thời hạn thì cũng tạo ra sự răn đe mạnh mẽ", ông Cường nêu quan điểm.
Cũng theo vị tiến sĩ luật học, hình phạt chỉ là biện pháp cuối cùng khi các giải pháp phòng ngừa không đạt hiệu quả. Khi giải pháp phòng ngừa đạt hiệu quả thì hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân cũng đủ sức để bảo vệ pháp luật, răn đe với tội phạm đối với nhiều tội danh, tiến tới bỏ hình phạt tử hình.
Thực tiễn quy định pháp luật hiện nay nếu tuyên hình phạt tử hình nhưng người phạm tội đã nộp 3/4 số tiền trong quá trình thi hành án thì hình phạt tử hình vẫn có thể chuyển xuống chung thân. Theo hướng dẫn tại nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao, sau đó tiếp tục được giảm án trong quá trình thi hành án thì 20 năm sau vẫn có thể được trở về.
Nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Công an, không áp dụng hình phạt tử hình nhưng áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án, không có cơ hội trở lại với đời sống xã hội thì hình phạt này tính nghiêm khắc cũng rất cao và vẫn đảm bảo quyền con người. Khi đó, người bị áp dụng tù chung thân trong một số trường hợp sẽ không có cơ hội trở về với đời sống xã hội, đó là tính răn đe mạnh mẽ và họ không có cơ hội tiếp tục gây thiệt hại đến Nhà nước.
Về nguyên tắc chung của chính sách hình sự, khi xã hội càng mông muội, kém phát triển thì hình phạt càng hà khắc. Khi xã hội càng phát triển thì hình phạt sẽ bớt nghiêm khắc, tiến tới khi xã hội đạt trình độ văn minh cao thì khi đó còn có thể bỏ hình phạt.
Như vậy, có thể thấy chính sách hình sự Việt Nam luôn có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ luật hình sự 2015 vẫn quy định 18 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Thực tiễn cho thấy, một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.
Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh theo đề xuất của Bộ công an sẽ phù hợp với luật pháp và cam kết quốc tế, tạo ra sự đồng bộ với luật pháp quốc tế...
"Việc bỏ bớt các tội danh có hình phạt tử hình cũng cho thấy sự văn minh của xã hội, hiệu quả trong quản lý xã hội và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn quyền con người, quyền công dân trong khuôn khổ pháp luật", ông Cường khẳng định.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa
Trao đổi với báo chí, Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình ở hai nhóm "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ".
Ông Giáp cho rằng, Nhà nước luôn ưu tiên việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nên đề xuất không áp dụng hình phạt tử hình với người phạm 2 nhóm tội trên là phù hợp, vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo.
"Phần lớn các bị cáo phạm tội có thể là quan chức, chủ doanh nghiệp, người có chức vụ. Khi họ khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại thì không nên tử hình, chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn cao hoặc áp dụng phạt chung thân không ân xá. Trường hợp người phạm tội mà thi hành án tử hình sẽ không bảo đảm được việc thu hồi tài sản", luật sư Hoàng Trọng Giáp nhấn mạnh.