Đề xuất áp thuế với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông: Giải pháp cấp thiết để bảo vệ môi trườngBài cuối: Hành động cấp bách để cứu lấy tương lai
Với đặc tính khó phân hủy, mỗi sản phẩm nhựa dùng một lần hay túi ni lông có thể tồn tại hàng trăm năm ngoài môi trường, gây ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển bền vững. Do đó, việc đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những sản phẩm này là biện pháp cần thiết, cấp bách nhằm hạn chế việc sử dụng, thúc đẩy thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng.

Mô hình đổi rác tái chế lấy quà tại quận Hoàn Kiếm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hòa Phạm
Cần chế tài đủ mạnh
Năm 2025 là mốc thời gian quan trọng để Việt Nam hoàn thành một số mục tiêu về bảo vệ môi trường theo các nghị quyết, nghị định của Trung ương và Chính phủ. Theo đó, sau năm 2025 sẽ không được lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Để đạt được mục tiêu trên, tại nghị trường của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ để giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) khẳng định: “Ngoài tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng túi ni lông, thay thế bằng những sản phẩm khác thân thiện với môi trường, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này”.
Đưa ra những dẫn chứng cụ thể về công nghệ xử lý chất thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp, phải mất hàng trăm năm những sản phẩm nhựa mới được phân hủy nên địa phương sẽ phải cấp nguồn ngân sách cho việc xử lý loại hình rác này, điều đó đi ngược với quan điểm xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cho rằng: “Người gây ô nhiễm phải trả tiền và việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bao bì nhựa vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa điều chỉnh được hành vi tiêu dùng, đồng thời bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững”. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị mở rộng cơ sở thuế và áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm là bao bì khó phân hủy.
Còn theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, cơ quan soạn thảo cần phân tích, đánh giá kỹ ảnh hưởng của việc sử dụng túi ni lông đối với sức khỏe, với môi trường, tiến tới ngừng sản xuất túi ni lông để bảo vệ môi trường.
Ngoài việc đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Văn Bình, chuyên gia về môi trường tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những giải pháp căn cơ để giảm ô nhiễm túi ni lông là đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các vật liệu thay thế có khả năng phân hủy sinh học, đồng thời giảm giá thành để cạnh tranh với túi ni lông thông thường. “Phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường rất cần thiết, nhưng nếu chi phí sản xuất quá cao sẽ khó thay đổi thói quen của người tiêu dùng”, PGS.TS Nguyễn Văn Bình nhận định.
Chung tay đẩy lùi rác thải nhựa
Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia đã đi trước Việt Nam trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Đơn cử, tại Trung Quốc, khách hàng phải trả 1 nhân dân tệ (khoảng 3.400 đồng Việt Nam) cho mỗi túi ni lông khi mua sắm tại siêu thị. Riêng Thượng Hải (Trung Quốc), từ năm 2008, chính quyền đã khuyến khích người dân sử dụng túi giấy và các chất liệu thân thiện khác thay vì túi ni lông; từ năm 2021, lệnh cấm sử dụng túi ni lông không phân hủy đã được áp dụng tại toàn bộ các cửa hàng và dịch vụ giao hàng. Ở Thái Lan, các siêu thị như 7-Eleven tính phí 0,5 baht (khoảng 750 đồng) cho mỗi túi nhựa. Đặc biệt, Ireland là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế túi nhựa từ năm 2002. Kết quả, lượng sử dụng túi nhựa giảm 90%, tương đương với 1 tỷ túi mỗi năm.
Học hỏi những mô hình này, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cụ thể và toàn diện, thậm chí không chỉ dừng lại ở các biện pháp kinh tế như đánh thuế. Các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như phân loại rác thải ngay tại nguồn, có các biện pháp xử lý rác thải phù hợp, nâng cao ý thức của mỗi người dân... GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam phân tích: “Phân loại rác tại nguồn có tầm quan trọng trong quá trình xử lý rác thải. Nếu các tổ chức, cá nhân làm tốt việc phân loại rác, các cơ quan thu gom xử lý có phương án thu gom, vận chuyển tốt, theo từng loại rác, đưa đúng loại rác đến nơi xử lý phù hợp sẽ giảm chi phí, giảm tác động đến môi trường”.
Riêng đối với Thủ đô Hà Nội, các chuyên gia nhận định, Luật Thủ đô năm 2024 là căn cứ pháp lý hiệu quả để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Nếu như Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ mới quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa thì tại Điều 28 của Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều quy định nhằm kiểm soát ô nhiễm nhựa như quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn thành phố… Đây là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội kiểm soát ô nhiễm nhựa”.
Hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Vì vậy, việc hạn chế và tiến tới ngừng sử dụng loại sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông gây hại cho môi trường, sức khỏe con người đã trở nên cấp bách. Hy vọng với hành lang pháp lý đủ nghiêm, đủ mạnh, với nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa sẽ có những kết quả đáng khích lệ, hướng tới một Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung luôn xanh, sạch, không rác thải nhựa.