Để văn hóa Tây Nguyên vươn xa

Hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS). Song, để văn hóa truyền thống các DTTS Tây Nguyên vươn xa thì chủ thể văn hóa phải cùng chính quyền hành động.

20 năm qua, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đinh vẫn duy trì tổ chức lễ mừng lúa mới. Ảnh: Phúc An

20 năm qua, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đinh vẫn duy trì tổ chức lễ mừng lúa mới. Ảnh: Phúc An

Chủ thể chủ động phát huy vai trò

Trong buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên đầu tháng 8/2024 của Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là một thế mạnh để phát triển.

Hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS bằng nhiều cách làm như mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, cấp chiêng, trang phục truyền thống, phục dựng các nghi lễ, biểu diễn định kỳ... Từ đó, khơi dậy ý thức, để chủ thể văn hóa chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Từ năm 1994 đến nay, đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vẫn duy trì tổ chức cúng mừng lúa mới và trở thành lễ hội chung của tất cả bà con trong buôn. Lễ hội ngày càng thu hút đông đảo bà con các dân tộc và du khách đến chung vui. Ngoài việc định kỳ tổ chức lễ hội để giao lưu bảo tồn văn hóa, bà con còn lập ra nhiều lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên như truyền dạy đánh cồng chiêng, múa chiêu, múa xoang, hát dân ca, chế tác nhạc cụ, đan, dệt...

Trưởng buôn Kon H’rinh A Voan cho biết: "Đến nay, buôn Kon H’rinh vẫn còn 4 bộ chiêng, 50 người biết đánh chiêng, 10 người dệt thổ cẩm, đội múa hơn chục người và 1 nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi. Vì thế, đội cồng chiêng của buôn thường xuyên được các cấp, ngành chọn tham gia các hội thi, sân chơi lớn".

Nhận thấy những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc đang mất dần, năm 2023, anh Thái Quang Êban, Phó Bí thư Đoàn xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã mở lớp và đi vận động thanh thiếu niên trong buôn học đánh chiêng, múa xoang. Đến nay, các thành viên đội chiêng đã tự tin thể hiện các bài chiêng truyền thống, thành viên đội múa cũng nhuần nhuyễn các bài múa dân gian của dân tộc Ê Đê. Đội cồng chiêng, múa xoang thường xuyên được mời biểu diễn tại một số khu du lịch trong tỉnh, tại không gian nhà dài của gia đình phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế có nhu cầu thưởng thức.

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm, người con của Tây Nguyên chia sẻ: "Các địa phương ở Tây Nguyên đã và đang triển khai rất tốt chủ trương, đường lối, chính sách về văn hóa. Tuy nhiên, để phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt về văn hóa của từng dân tộc để bảo tồn, phát huy cho đúng. Song song với đó, phải động viên chủ thể văn hóa nêu cao ý thức, khơi dậy niềm tự hào để họ tự gìn giữ lấy văn hóa của dân tộc mình. Một điều quan trọng nữa là Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bằng các chính sách, trong đó có những chính sách chuyên biệt".

Đưa văn hóa trở thành tài nguyên

Dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của cồng đồng các dân tộc, bản sắc văn hóa các dân tộc đã hồi sinh trong cộng đồng các buôn làng. Bản sắc văn hóa đã trở thành tài nguyên để đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Đơn cử như gia đình ông Ama Denny, già làng buôn Ako Dhong, thành phố Buôn Ma Thuột, việc mở mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa, gia đình ông không chỉ giúp bảo tồn, quảng báo giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê, mà còn mang lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và bà con trong buôn.

Nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk duy trì tổ chức biểu diễn nhạc cụ dân tộc phục vụ du khách. Ảnh: Phúc An

Nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk duy trì tổ chức biểu diễn nhạc cụ dân tộc phục vụ du khách. Ảnh: Phúc An

Nghệ nhân Ama H’Loan, buôn Ako Dhong chia sẻ: "Được mời tham gia diễn tấu cồng chiêng phục vụ du khách tại các điểm du lịch của buôn, tôi rất vui. Vui vì được giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến mọi người và được khách xa gần đón nhận. Từ việc biểu diễn cũng mang đến nguồn thu nhập cho bản thân".

Phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với các tỉnh Tây Nguyên mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định: "Văn hóa Tây Nguyên đặc trưng và đa dạng, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng. Nếu quan tâm bảo tồn thật sự thì văn hóa trở thành nguồn lực để phát triển, đồng bào DTTS có thể làm kinh tế từ vốn văn hóa. Các tỉnh Tây Nguyên cần biết kích hoạt văn hóa để làm kinh tế, tạo ra nguồn lực. Mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặt ra 2 vấn đề, bảo tồn làm sao phải giữ nguyên cái gốc, tính đặc trưng của giá trị để những giá trị này không bị mất mát bởi cuộc sống hiện đại. Phát huy các giá trị này cần phải gắn với du lịch, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân".

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-van-hoa-tay-nguyen-vuon-xa-post483272.html
Zalo