Đè vạch kẻ đường khi dừng đèn đỏ gây tai nạn sẽ bị phạt tới 22 triệu đồng

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ô tô đè lên hoặc đi quá vạch kẻ đường khi dừng đèn đỏ gây tai nạn có thể bị phạt tiền từ 20-22 triệu đồng và trừ 10 điểm bằng lái xe.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, tùy theo loại phương tiện đè lên vạch kẻ đường (hoặc đi quá vạch kẻ đường) sẽ bị xử phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Cụ thể, xe ô tô (kể cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) nếu vi phạm không gây tai nạn bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng. Trường hợp vi phạm gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 20-22 triệu đồng, đồng thời bị trừ 10 điểm bằng lái xe.

Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) nếu vi phạm không gây tai nạn bị phạt tiền từ 200.000- 400.000 đồng. Trường hợp vi phạm gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 10-14 triệu đồng, đồng thời bị trừ 10 điểm bằng lái xe.

Xe máy chuyên dùng (kể cả rơ moóc được kéo theo) nếu vi phạm không gây tai nạn bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng. Trường hợp vi phạm gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 14-16 triệu đồng.

Xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ nếu vi phạm không gây tai nạn bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng; Xe vật nuôi nếu vi phạm không gây tai nạn bị phạt tiền từ 150.000-250.000 đồng.

Ngoài ra, Nghị định 168/2024 còn quy định mức xử phạt với lỗi vượt bên phải với xe máy. Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt bên phải trong trường hợp không được phép bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.

Trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt bên phải trong trường hợp không được phép gây tai nạn giao thông bị phạt từ 10-14 triệu đồng và trừ 10 điểm bằng lái xe.

Về các trường hợp không được vượt xe theo khoản 6 Điều 14 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024: Khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;

Trên cầu hẹp có một làn đường; Đường cong có tầm nhìn bị hạn chế; Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế; Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt; Khi gặp xe ưu tiên;

Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; Trong hầm đường bộ.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-vach-ke-duong-khi-dung-den-do-gay-tai-nan-se-bi-phat-toi-22-trieu-dong-post603125.antd
Zalo