Dê và chó - những 'tân binh' đắc lực giúp các nhà khoa học dự báo động đất
Các cảm biến cho thấy các loài động vật trở nên lo lắng trước khi núi lửa phun trào và 'từ chối' di chuyển đến những đồng cỏ cao hơn mà chúng thường 'đến thăm,' 'chúng biết trước những gì sắp xảy ra.'
Theo The Guardian, các nhà khoa học đang “tuyển” một số “tân binh” trong nỗ lực dự báo động đất, núi lửa phun trào và các hiện tượng tự nhiên khác.
Các nhà khoa học “tuyển” hàng nghìn chú chó, dê và các loài động vật trang trại khác, cùng nhiều động vật hoang dã; và sẽ sẽ theo dõi chuyển động của chúng từ không gian.
Chương trình sử dụng các máy phát nhỏ gắn vào động vật có vú, chim và côn trùng. Họ sẽ theo dõi chuyển động của những sinh vật này từ một vệ tinh chuyên dụng - dự kiến được phóng vào năm tới.
Các nhà nghiên cứu cho biết mục đích không chỉ là nghiên cứu cách loài vật phản ứng với các sự kiện tự nhiên sắp xảy ra, như núi lửa phun trào, mà còn để hiểu thêm về quá trình di cư, sự lây lan dịch bệnh ở động vật và tác động của khủng hoảng khí hậu.
Martin Wikelski, trưởng nhóm dự án thuộc Viện nghiên cứu hành vi động vật Max Planck ở Đức, cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể phóng một ‘đội’ khoảng sáu vệ tinh và thiết lập một mạng lưới quan sát toàn cầu.
Hệ thống này cung cấp thông tin chi tiết về chuyển động và sức khỏe của động vật hoang dã trên khắp hành tinh, đồng thời sẽ tiết lộ cách các sinh vật phản ứng với những hiện tượng tự nhiên như động đất.”
Wikelski cho biết giá trị của việc nghiên cứu các loài động vật được “gắn thẻ” đã được chứng minh trong các thí nghiệm ban đầu ở Sicily trên sườn núi Etna. "Chúng tôi nhận thấy hành vi của loài dê cho thấy chúng có khả năng khá tốt trong việc dự đoán các vụ phun trào núi lửa lớn."
Các cảm biến cho thấy các loài động vật trở nên lo lắng trước khi núi lửa phun trào và “từ chối” di chuyển đến những đồng cỏ cao hơn mà chúng thường “vui vẻ” đến thăm. "Chúng biết trước những gì sắp xảy ra. Chúng tối chưa rõ chúng biết bằng cách nào, nhưng chúng đã làm vậy" - Wikelski nói.
Tương tự, các nhà nghiên cứu đã theo dõi chó, cừu và các loài động vật trang trại khác trên dãy núi Abruzzo bên ngoài Rome và ghi nhận rằng chúng cũng đã “dự đoán” được bảy trong tám trận động đất lớn trong khu vực trong 12 năm qua.
Những câu chuyện về động vật có hành vi kỳ lạ trước khi xảy ra động đất hoặc núi lửa phun trào không phải là mới. Nhà sử học người Hy Lạp Thucydides tuyên bố rằng chuột, chó, rắn và chồn đã bỏ trốn khỏi thành phố Helice ngay trước khi xảy ra động đất vào năm 373 trước Công nguyên.
Tương tự như vậy, trận động đất Hải Thành năm 1975 ở Trung Quốc xảy ra sau khi người ta nhìn thấy rắn và chuột rời khỏi hang.
Lý do tại sao những loài động vật này lại hành xử theo cách này vẫn chưa rõ ràng.
"Khi một trận động đất chuẩn bị xảy ra, các mảng kiến tạo trượt qua nhau dưới áp suất cực lớn, và điều đó đẩy các ion từ đá ra không khí. Các loài động vật có thể đã phản ứng với điều đó" - Wikelski, người sáng lập Tổ chức Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Động vật Sử dụng Không gian (Icarus), nói.
Icarus - một tổ chức hợp tác quốc tế có sự tham gia của các nhóm nhà khoa học trên toàn cầu - đã có thể hoạt động nhờ một cuộc cách mạng trong công nghệ gắn thẻ.
Các máy phát kỹ thuật số nhỏ xíu - sử dụng pin lithium nhỏ - cùng các thiết bị GPS “tí hon” giá rẻ và dồi dào đã giúp tạo ra các thẻ chỉ nặng chỉ vài gram.
Trước đây, con người không thể thực sự theo dõi hầu hết các loài động vật có xương sống trên hành tinh nhưng “giờ đây chúng ta có thể theo dõi hầu hết mọi thứ” - nhà sinh thái học Scott Yanco của Đại học Michigan (Mỹ) nói với MIT Technology Review.
Wikelski cho biết “cuộc cách mạng” này cũng có thể cho phép con người khảo sát sức khỏe động vật hoang dã từ không gian.
Một ví dụ là thẻ đeo tai điện tử - tích hợp máy đo gia tốc nhỏ 30g - được gắn vào lợn rừng. Chẳng hạn trong tình huống lợn rừng mắc bệnh tả lợn châu Phi, virus sẽ dễ dàng lây lan từ chúng sang lợn nhà. Việc biết được thời điểm dịch bệnh bùng phát trong tự nhiên có thể rất quan trọng để hạn chế tác động của dịch bệnh đối với các trang trại.
Công nghệ này cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được các quá trình thúc đẩy di cư. Các máy phát gắn trên những sinh vật nhỏ như bướm đêm đầu lâu có thể sớm tiết lộ những bí ẩn trong cuộc di cư 2.000 dặm (3.218km) mà chúng thực hiện giữa châu Âu và châu Phi mỗi năm.
Wikelski cho biết: “Chúng ta cũng có thể nghiên cứu quần thể động vật để xác định cách chúng phản ứng với những thay đổi về môi trường sống do hiện tượng nóng lên toàn cầu.”./.