Để tìm được người tài thực sự cho Đảng
Để công tác giới thiệu, bố trí nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng có chất lượng cần sự tổng hòa nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là người đứng đầu phải công minh, khách quan.
Chia sẻ trong câu chuyện đầu năm với Pháp Luật TP.HCM về tinh gọn bộ máy, tìm người giỏi, PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử, kể cả cấp ủy và ở các cơ quan nhà nước, để làm sao tìm được những người tài thực sự.
![Chúng ta đang trong quá trình xây dựng đề án vị trí việc làm. Vị trí việc làm là tiêu chí số 1 để đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, giúp khắc phục được sự duy tình, lợi ích nhóm. Ảnh: NGUYỆT NHI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/08b28b87b4c95d9704d8.jpg)
Chúng ta đang trong quá trình xây dựng đề án vị trí việc làm. Vị trí việc làm là tiêu chí số 1 để đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, giúp khắc phục được sự duy tình, lợi ích nhóm. Ảnh: NGUYỆT NHI
“Cuộc cách mạng thần tốc”
. Phóng viên: Cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Là người quan sát, ông đánh giá thế nào về lần tinh gọn này?
+ PGS-TS Nguyễn Viết Thông: Chủ trương về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản cán bộ đã đề ra từ lâu chứ không phải bây giờ mới có nhưng kết quả thực hiện không được bao nhiêu. Có thời điểm tổ chức bộ máy phình ra; có những thời điểm biên chế tăng lên.
Cách đây bảy năm, Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng khóa XII đã thảo luận và thống nhất rất cao ra Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 7 ra nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Nghị quyết 18 chỉ rõ khuyết điểm là việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm, đồng thời nêu nhiều điểm mới về tinh gọn, tổ chức bộ máy; đề ra những quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu.
Trên thực tế, việc thực hiện Nghị quyết 18 cũng đạt được kết quả bước đầu. Chẳng hạn chúng ta chưa sắp xếp lại các bộ, ngành Trung ương, cũng chưa sắp xếp lại các tỉnh nhưng đã thí điểm sắp xếp một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Hay đã sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, điển hình là Bộ Công an bỏ hết tổng cục…
Tuy nhiên, bảy năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 18 chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì thế, sáng 25-11-2024, Bộ Chính trị đã trình Trung ương và Hội nghị Trung ương đã quyết định tiến hành một cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy.
Các bộ, ngành đã rất khẩn trương, có lẽ chưa bao giờ làm thần tốc và mạnh dạn như hiện nay. Chỉ vẻn vẹn một tháng sau Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị đã công bố tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể. Các khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, đoàn thể đều đã xây dựng xong đề án của mình…
Chúng ta thực hiện đúng với tinh thần là “cuộc cách mạng thần tốc”. Mục tiêu đặt ra là giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong; giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước…
![PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: THU NGUYỆT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/908c0eb931f7d8a981e6.jpg)
PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: THU NGUYỆT
Việt Nam chúng ta từ xưa đến nay nhân tài chưa bao giờ thiếu, vấn đề là có cơ chế tuyển chọn người tài. Đánh giá con người, chúng ta phải cẩn trọng nhưng rõ ràng qua những lần tuyên dương công trạng, hay gương điển hình trong các lĩnh vực, đó chính là nhân tài của đất nước, đóng góp cho đất nước.
Chúng ta cũng thấy hầu hết các lãnh đạo, kể cả bí thư Tỉnh ủy, các bộ trưởng hiện nay là thế hệ trẻ.
PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG
. Cuộc cách mạng này, theo ông sẽ tác động như thế nào tới công tác nhân sự của Đại hội XIV?
+ Vừa qua, báo chí cũng đã đề cập vấn đề Luật Tổ chức Quốc hội quy định số lượng đại biểu Quốc hội là 500, tinh gọn lại là bao nhiêu? Tới đây, khi bàn về sửa luật, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định số lượng đại biểu Quốc hội bao nhiêu là vừa, giữ nguyên con số 500 hay giảm bớt đi.
Về số lượng Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIV, Trung ương đã thông qua phương hướng công tác nhân sự, cơ bản như khóa trước, ủy viên chính thức 180 người, ủy viên dự khuyết 20 người; Bộ Chính trị 17-19 người, Ban Bí thư 11-13 người.
Về số lượng, định hướng cơ cấu nhân sự BCH, Ban Thường vụ cấp tỉnh, huyện, xã, Bộ Chính trị đã nêu trong Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV. Từ kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Chính trị đã ra Kết luận 118 điều chỉnh bổ sung Chỉ thị 35, tập trung vào các Đảng bộ trực thuộc Trung ương hình thành sau tinh gọn…
![Các đại biểu tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: PHẠM THẮNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/07459b70a43e4d60142f.jpg)
Các đại biểu tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: PHẠM THẮNG
Không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài
. Còn chất lượng công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội như thế nào, thưa ông?
+ Theo quan sát của tôi đến lúc này, cấp ủy từ cấp cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện tương đối nghiêm, đúng theo hướng dẫn của Chỉ thị 35.
Tới đây, khi báo cáo cấp ủy cấp trên, ngoài nội dung tự chuẩn bị, cấp trên phải có trách nhiệm trực tiếp xem cấp dưới chuẩn bị văn kiện, chuẩn bị nhân sự đã đúng với tinh thần của Đảng chưa. Đây là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng.
Trên cả nước, Trung ương đã chuẩn bị theo đúng lộ trình. Đầu tiên, phải hướng dẫn các cấp giới thiệu nhân sự ứng cử vào Trung ương. Vừa rồi, các cấp đã giới thiệu và Trung ương đã cho ý kiến, Bộ Chính trị đã tổ chức được ba lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch ủy viên Trung ương Đảng.
Hội nghị Trung ương cũng đã cho ý kiến về nhân sự giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cho ý kiến bổ sung quy hoạch BCH Trung ương. Đây là quá trình “mở”, phát hiện nhân tố nào thì tiếp tục giới thiệu.
Theo lộ trình, Chỉ thị 35 cũng nêu việc xem xét giới thiệu nhân sự để bầu vào BCH Trung ương khóa XIV. Trình tự như lâu nay chúng ta đã làm, bước đầu tiên là xem xét trong BCH hiện nay ai đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tái cử. Bước thứ hai, theo số dư, trong số quy hoạch ai được giới thiệu để đảm bảo số dư.
Quy trình tương tự cũng được thực hiện ở Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cuối cùng mới xét tới trường hợp đặc biệt, kể cả ở Trung ương, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Lần này, theo tôi, chúng ta đã làm rất thận trọng. Đặc biệt, Chỉ thị 35 đã nêu rõ không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài nhưng cũng không để những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lọt vào trong cấp ủy.
Hướng dẫn của Trung ương tương đối kỹ, vấn đề ở khâu tổ chức thực hiện. Nếu những người đứng đầu công minh, không vì cá nhân mình, không vì lợi ích nhóm mà bổ nhiệm người thân, cánh hẩu… thì chúng ta sẽ chọn được người tài.
Còn nếu không cũng vẫn xảy ra các trường hợp như trước đây, các khóa trước vẫn để lọt vào cấp ủy, kể cả Trung ương, những người không đủ phẩm chất đạo đức. Chúng ta đã phải xử lý khá nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Như ở nhiệm kỳ này phải cho nghỉ tới bảy ủy viên Bộ Chính trị. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng như thế.
Lâu nay chúng ta nói phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Vậy chúng ta đã lắng nghe dân chưa, nghe dân phản ánh người đó tốt xấu thế nào, có tham nhũng hay không.
Dân biết hết, vấn đề là chúng ta cần có cơ chế để nghe dân, để người dân tham gia vào công tác cán bộ. Có như vậy, hy vọng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, chúng ta sẽ chọn lựa được một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/6a11f024cf6a26347f7b.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/c2c75af265bc8ce2d5ad.jpg)
![Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII hồi tháng 9-2024 bàn về nhiều nội dung trong đó có công tác nhân sự khóa XIV. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/a8b33e8601c8e896b1d9.jpg)
Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII hồi tháng 9-2024 bàn về nhiều nội dung trong đó có công tác nhân sự khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Thực hiện quy trình năm bước
. Ông nhận xét thế nào về cơ chế giới thiệu nhân sự hiện nay của Đảng? Có điểm nào cần khắc phục không?
+ Chúng ta đang thực hiện quy trình năm bước. Tôi vẫn cho rằng lỗi không phải ở quy trình, lỗi ở những người thực hiện nên vấn đề là phải thực hiện nghiêm.
Nếu chúng ta thực hiện tốt quy trình mà các hướng dẫn nêu, kể cả bước hỏi ý kiến của người dân nơi cư trú, hỏi ý kiến nơi làm việc, chúng ta sẽ chọn được người tài. Người cán bộ định đưa vào giới thiệu cấp ủy, nếu mọi người có ý thức cao, dám mạnh dạn nói ra ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ sẽ chọn được những người tài.
Ngoài ra, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện những quy định, như Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, nêu yêu cầu tiếp tục đổi mới vấn đề giới thiệu các đại biểu ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp, làm sao để giới thiệu người tài, đúng ý Đảng, hợp lòng dân.
Trong văn kiện Đại hội XIII có đề cập việc thí điểm để nhân dân bầu trực tiếp một số chức danh ở cấp xã, cấp huyện nhưng thực tế chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Hiện nay mới thực hiện bầu trực tiếp trưởng thôn, trưởng xóm, tổ trưởng dân phố và trưởng ấp…
Chúng ta không nói các quy định hiện nay đã hoàn toàn trọn vẹn. Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử, kể cả cấp ủy và bầu cử ở các cơ quan nhà nước, để làm sao tìm được những người tài thực sự.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/290fbc3a83746a2a3365.jpg)
![Người đứng đầu cần có sự công tâm, khách quan trong đánh giá để giữ lại những người thực sự tài giỏi phục vụ trong bộ máy. Ảnh: HỒNG THẮM - NGUYỆT NHI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_114_51406763/04dd97e8a8a641f818b7.jpg)
Người đứng đầu cần có sự công tâm, khách quan trong đánh giá để giữ lại những người thực sự tài giỏi phục vụ trong bộ máy. Ảnh: HỒNG THẮM - NGUYỆT NHI
Người đứng đầu phải công tâm, khách quan
. Thưa ông, làm thế nào để giữ chân được người giỏi ở lại khối cơ quan nhà nước?
+ Lâu nay một số người đã nói báo chí đã đưa tin khoảng 30% là những người làm việc thật sự, khoảng 40% những người làm việc cầm chừng và khoảng 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Như vậy, người tài giỏi hay người không làm việc đều biết rõ. Vấn đề là trong đợt sắp xếp này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có công tâm, khách quan hay không, để giữ lại những người làm việc thực sự đó.
Chúng ta đều biết đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất, lý do bởi người Việt Nam nói riêng cũng như người châu Á nói chung hay duy tình. Đã có quy định hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bị đào thải nhưng rồi ai cũng hoàn thành hết vì cả nể.
Vấn đề nữa là ranh giới giữa năng động, hoạt bát với liều lĩnh; giữa cẩn thận, chín chắn với bảo thủ rất mong manh. Nếu thủ trưởng nào ưa thì bảo đấy là năng động, hoạt bát, người nào không ưa thì bảo đấy là liều lĩnh. Người yêu thì bảo là cẩn thận, chín chắn; người không ưa thì bảo là bảo thủ.
Rồi người đứng đầu, đặc biệt là cơ quan tham mưu cho người đứng đầu là cơ quan tổ chức cán bộ phải tham mưu cho đúng.
Nếu người đứng đầu không công tâm, khách quan sẽ không chọn được người tài, mấu chốt là ở đây. Đây là lý do vì sao các nghị quyết của Đảng gần đây, ở bất cứ lĩnh vực nào, chúng ta cũng thấy đề cao trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Nếu người đứng đầu gương mẫu, những người sống xu nịnh, thủ đoạn, chỉ ở “đầu môi chót lưỡi” sẽ không được trọng dụng.
. Vậy cơ chế nào để giám sát, đưa ra khỏi bộ máy những người làm việc cầm chừng, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như ông vừa đề cập?
+ Chúng ta đang trong quá trình xây dựng đề án vị trí việc làm, rất tiếc là hiện nay đề án chưa xong. Nếu như xây dựng được đề án vị trí việc làm thì sẽ có tiêu chí đánh giá ai làm việc gì, có làm được hay không.
Đó là tiêu chí số 1 để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, làm được vậy sẽ khắc phục được cái duy tình, kể cả lợi ích nhóm.
. Xin cảm ơn ông.
Tinh gọn bộ máy, rất cần người tài ở lại
Tinh gọn tổ chức bộ máy lần này sẽ giảm khoảng 20% công chức, viên chức. Cũng có người đặt ra câu hỏi “liệu người tài ở lại hay người tài ra đi?”.
Tại sao người ta đặt vấn đề như vậy? Thực tế những lần sắp xếp trước cho thấy người giỏi sẵn sàng ra đi, bởi ở môi trường nào họ cũng sống được; còn những người trung bình và dưới trung bình thì… ở lại. Thế nên không cẩn thận, lần tinh giản biên chế này lại để người tài ra đi, đây là việc cần tránh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống “chạy chọt” nhưng người tài không chạy đâu, người dốt, người trung bình lại chạy để ở lại. Đây là một thực tế.
Cũng có quan điểm cho rằng người tài ở khu vực công chuyển sang khu vực tư, người ta vẫn phục vụ cho đất nước. Đây cũng là một quan điểm nhưng theo tôi, đất nước ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội thì mọi thứ của Nhà nước phải là chủ đạo - giáo dục và đào tạo, trường công phải chủ đạo; với y tế thì y tế công phải là chủ đạo. Chúng ta bỏ vai trò chủ đạo của Nhà nước thì không thể nói đi lên chủ nghĩa xã hội được, từ đó thấy rằng Nhà nước rất cần những người tài.
PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG