Để tiếng tính, lời Then mãi ngân vang cùng mùa xuân

Xuân đang đến mơn man trên từng nhánh lá, trên khắp các xóm làng đồng bào dân tộc Tày, Nùng đâu đó vang lên những tiếng đàn tính, câu then nghe ngọt ngào, sâu lắng. Và những giai điệu tha thiết đó mãi được bảo tồn, phát huy bởi các nghệ nhân dân gian với niềm đam mê, tâm huyết của đang ngày đêm lưu giữ và trao truyền để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Góp phần lưu giữ làn điệu Then

Nói đến Nghệ nhân Ưu tú Ðinh Văn Thức (nghệ danh Trọng Thức) không ai là không biết đến, anh đã dành tâm huyết, thời gian để truyền dạy miễn phí cho nhiều học trò yêu thích loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính truyền thống, góp phần vào việc giữ gìn, phát huy giá trị của dân ca độc đáo tại địa phương.

Đến xã Vũ Minh vào những ngày giáp tết, không khó để nhận ra mùa xuân ở nơi đây như đến sớm hơn, sắc xuân bắt đầu tràn ngập trên mọi nẻo đường, cây rừng bắt đầu thay lá với đủ mọi sắc màu. Ngay tại mảnh đất này đã sinh ra một nghệ nhân được nhiều người biết đến với tên gọi Nghệ nhân Ưu tú Đinh Trọng Thức.

Sinh ra và lớn lên ở xã có phong tục, tập quán phong phú nên ngay từ bé anh Thức được tiếp xúc, gần gũi và nghe những làn điệu then từ ông, bà, cha, mẹ, không biết từ bao giờ đã ngấm vào trái tim anh. Với niềm say mê, anh đã tranh thủ thời gian tự học hát từ các nghệ nhân hát then nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, đồng thời tự tìm tòi, nghiên cứu qua sách, báo và các chương trình phát thanh, truyền hình... Lúc đó anh Định Trọng Thức vốn là một cán bộ y tế không nghĩ có ngày mình trở thành nghệ nhân hát then.

Nghệ nhân Ưu tú Ðinh Văn Thức, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) truyền dạy đàn tính cho các em nhỏ tại nhà.

Nghệ nhân Ưu tú Ðinh Văn Thức, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) truyền dạy đàn tính cho các em nhỏ tại nhà.

Qua thời gian, với giọng hát mượt mà, trầm ấm, truyền cảm, anh được công chúng biết đến qua các hội thi, hội hát dân ca do các cấp tổ chức. Anh sáng tác, đặt lời và dàn dựng thành công cho các chương trình giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước do xã, huyện, tỉnh tổ chức.

Bên cạnh đó, anh là người đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Then - đàn tính và hát dân ca Minh Thanh, CLB then Phja Oắc, truyền dạy cho CLB then Trường Tiểu học Ca Thành, Thể Dục và các xóm Đoàn Kết... thu hút nhiều người tham gia, lưu giữ, truyền lại những nét đẹp văn hóa của người Tày, Nùng cho thế hệ sau... Từ năm 2009 đến nay, anh đã trực tiếp truyền dạy hát then và đàn tính cho trên 500 học viên. Trong đó, học viên trẻ nhất 5 tuổi, học viên cao tuổi nhất 83 tuổi. Từ việc truyền đam mê đến với mọi người, hoạt động truyền dạy của anh góp phần quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân văn nghệ hát then, đàn tính của tỉnh và địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Văn Thức, chia sẻ: Niềm vui lớn nhất của tôi là được dạy các em cách đàn, cách hát để mong sẽ góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để những giá trị văn hóa này không bị mai một theo thời gian.

Với những thành tích đạt được trong năm 2019, anh Thức vinh dự là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi của cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, ghi nhận những cống hiến, đóng góp quan trọng của anh trong phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương.

Nghệ nhân đam mê chế tác đàn tính

Ông Hoàng Văn Lưu, xóm Đông Giang I, xã Nam Tuấn (Hòa An) là một trong những nghệ nhân chế tác đàn tính trên địa bàn tỉnh. Trên 45 năm làm đàn tính, với niềm đam mê, tìm tòi nghiên cứu đã tạo ra sản phẩm văn hóa phục vụ cho những người ham mê hát then, chơi đàn tính.

Nghệ nhân Hoàng Văn Lưu tâm sự: Ngay từ bé tôi học làm đàn tính từ bố mình, năm tôi 12 tuổi bắt đầu phụ giúp bố nhiều công đoạn làm đàn… cho đến năm 15 tuổi, tôi có thể tự làm hoàn chỉnh một cây đàn tính. Cũng theo ông để làm ra một cây đàn tính như trước đây phải mất 3 ngày, nhưng ngày nay nhờ có máy móc hiện đại nên giảm nhiều công đoạn, chỉ mất 1 - 2 ngày có thể làm được 1 cây đàn tính hoàn chỉnh. Để làm được một chiếc đàn tính đẹp, có âm sắc chuẩn, vừa vang, vừa đúng âm đòi hỏi người thợ phải chú tâm, tỉ mỉ trong từng công đoạn chế tác, mà bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng của đàn chính là quả bầu, cần lựa chọn những quả bầu không quá to, không quá nhỏ, miệng tròn, chu vi từ 60 - 70 cm, phải là quả già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, tiếng kêu đanh thì đàn mới có âm sắc chuẩn.

Sau khi lấy bầu về cắt bỏ phần ruột và ngâm nước vôi 8 - 10 ngày, để không bị mối mọt và những bộ phận khác như mặt đàn, tai đàn, mỏ đàn… cũng được lựa chọn cẩn trọng, nhất là cần đàn phải chọn loại gỗ già, mịn, ít vân, mắt để đàn dùng được lâu và không bị cong vênh. Tất cả mọi công đoạn đều làm thủ công... đối với đàn tính, âm chuẩn hay không một phần dựa trên kinh nghiệm, năng khiếu và có bí quyết riêng của mỗi người thợ làm đàn tính.

Ông Hoàng Văn Lưu, xóm Đông Giang I, xã Nam Tuấn (Hòa An) bên chiếc đàn tính chuẩn bị hoàn thiện.

Ông Hoàng Văn Lưu, xóm Đông Giang I, xã Nam Tuấn (Hòa An) bên chiếc đàn tính chuẩn bị hoàn thiện.

Hiện nay, mỗi tháng ông Lưu làm được 10 - 15 chiếc đàn, trung bình một năm ông làm được trên 100 cây đàn, giá bán trên 2 triệu đồng/chiếc. Đàn tính của ông Lưu có âm sắc chuẩn, không chỉ nhiều khách hàng trong tỉnh mà còn nhiều khách hàng ngoài tỉnh như Lạng Sơn, Tuyên Quang đến đặt hàng.

Những năm gần đây, để góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc nhiều CLB hát then trên địa bàn tỉnh đã được thành lập cùng với đó, hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, các làng, xã đã sôi động mua sắm, chuẩn bị các đạo cụ để tập luyện biểu diễn trong các hội xuân, nên công việc của ông Lưu càng tất bật hơn, nhưng chưa bao giơi ông cảm thấy mệt mỏi. Bởi với ông được góp sức cùng quê hương bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình là niềm tự hào và vình dự của bản thân mình.

Giờ đây, hát Then, đàn tính đã trở thành niềm tự hào không chỉ của các nghệ nhân dân gian như anh Thức, ông Lưu nói riêng mà cả tỉnh Cao Bằng nói chung khi di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mùa xuân về, tiếng then, đàn tính của đồng bào các dân tộc trong tỉnh lại tiếp tục vang lên rộn ràng hơn bao giờ hết trong những lễ hội đầu năm mới.

Minh Tuyền

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/de-tieng-tinh-loi-then-mai-ngan-vang-cung-mua-xuan-3174911.html
Zalo