Để thương mại điện tử thực sự là 'sân chơi' dẫn dắt HTX phát triển

Đã có những HTX tiên phong ứng dụng thương mại điện tử và rất thành công nhưng cũng có những HTX đang gặp khó khăn trong vấn đề này nên cần có những giải pháp hiệu quả để khu vực kinh tế tập thể cùng hòa nhịp trong thời đại công nghệ số.

Tập trung trồng mãng cầu, HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (Tây Ninh) có thể tiêu thụ loại quả này đi khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam nhờ ứng dụng hiệu quả mảng công nghệ số vào bán hàng.

Vẫn có HTX chưa tận dụng được cơ hội

Chia sẻ với VnBusiness, anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX Minh Trung, cho biết bán hàng online hiện là kênh tiêu thụ chủ lực của HTX. Hầu như các đơn trong ngày đều đến từ việc chốt đơn online.

Tương tự, chị Lý Thị Bích Huệ, Giám đốc HTX Phượng Huệ (Hà Nội) cho rằng HTX đã ứng dụng bán hàng online, đặc biệt là livestream. Việc livestream giúp HTX giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng cũng như giới thiệu mô hình sản xuất kinh doanh. Hiện, quá trình tiêu thụ và áp dụng hình thức này đối với HTX khá thuận lợi.

Chưa thuận lợi như HTX Minh Trung và HTX Bích Huệ, ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tổng hợp chăn nuôi và Thương mại Khánh Phát (Hà Nội), cho rằng nhiều đơn vị bán sữa gần khu vực kinh doanh của HTX tiêu thụ rất tốt nhờ ứng dụng hình thức bán hàng online, đặc biệt là livestream trên TikTok, sàn thương mại điện tử nhưng HTX lại chưa tận dụng được điều này.

"Vào mùa đông, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa chua chậm nên nếu ứng dụng được thương mại điện tử sẽ phần nào hóa giải được vấn đề này", ông Nguyễn Văn Khương chia sẻ.

HTX Khánh Phát dù đang rất mạnh khâu chế biến sữa nhưng cần có sự hỗ trợ trong việc ứng dụng thương mại điện để mở rộng thị trường tiêu thụ.

HTX Khánh Phát dù đang rất mạnh khâu chế biến sữa nhưng cần có sự hỗ trợ trong việc ứng dụng thương mại điện để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Rõ ràng, trong khu vực kinh tế tập thể hiện đã có những HTX thu được hiệu quả từ thương mại điện tử nhưng cũng còn những HTX vẫn chưa thể hái được trái ngọt từ lĩnh vực này. Trong khi thống kê cho thấy, thương mại điện tử đã trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng 20% trong năm 2024 và tăng 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.

Như vậy những HTX nào đã và đang ứng dụng thành công và hiệu quả thương mại điện tử sẽ không chỉ mở ra cơ hội lớn trong tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận khách hàng mà còn giúp gia tăng giá trị sản xuất cho sản phẩm nông nghiệp.

Chú trọng 'cầm tay chỉ việc'

Chia sẻ 'bí quyết' thành công, anh Lê Minh Trung cho biết HTX đã chú trọng đầu tư nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực công nghệ, marketing để có kế hoạch rõ ràng trong bán hàng và ứng dụng thương mại điện tử. Hiện, nguồn nhân lực của HTX hầu hết là thế hệ gen Z, rất trẻ và năng động, tạo thuận lợi cho HTX ứng dụng thương mại điện tử.

Còn theo chị Lý Thị Bích Huệ, HTX đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, địa phương trong việc tạo điều kiện cho tham gia các lớp đào tạo về thương mại điện tử nên khâu bán hàng, kết nối xúc tiến thương mại đã phát triển theo hướng hiện đại.

Như vậy, nhìn từ thực tế từ hai HTX này cho thấy, điều đầu tiên để ứng dụng thương mại điện tử thành công đó chính là nguồn nhân lực. Nếu HTX nào có nguồn nhân lực trẻ, có chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ là một thế mạnh. Đi liền với đó là sự trợ lực từ các cơ quan hữu quan sẽ giúp các HTX có nền tảng cơ bản trong việc nắm bắt kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử và kết nối được với doanh nghiệp chuyên về thương mại điện tử để hỗ trợ, dẫn dắt HTX làm quen với công nghệ số.

Theo giới chuyên gia, nông dân, thành viên HTX là những người trực tiếp tạo ra hàng hóa, nông sản nhưng họ lại đang thiếu kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, chuyển đổi số, marketing… nên rất khó khăn khi thực hiện bán hàng online trên các kênh khác nhau. Thậm chí, nhiều HTX đã phải bỏ chi phí để thuê dịch vụ livestream nhưng đây không phải là hướng đi lâu dài vì rất tốn kém. Do đó, cần tạo những nền tảng cơ bản để HTX không bị bỡ ngỡ, nản chí và có lộ trình rõ ràng trong quá trình chuyển đổi số.

Để làm được điều này, ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội, cho biết Liên minh HTX rất quan tâm đến vấn đề làm sao để các HTX có thể hoạt động hiệu quả từ thương mại điện tử.

Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX TP đã kết hợp với các ngành hữu quan, doanh nghiệp tổ chức 47 lớp đào tạo hỗ trợ HTX livestream, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, Liên minh HTX TP Hà Nội sẽ tiếp tục tìm kiếm, kết nối với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ HTX trong ứng dụng công nghệ số.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh cho biết, Liên minh HTX TP Hà Nội và Liên minh HTX các tỉnh thành khác đang thể hiện rõ vai trò của mình trong việc hỗ trợ HTX thành viên trong ứng dụng thương mại điện tử. Việc Liên minh HTX các địa phương liên hệ, phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là với các công ty công nghệ cần tiếp tục phát huy để làm sao hỗ trợ HTX một cách tốt nhất trong ứng dụng thương mại điện tử. Đặc biệt là hỗ trợ theo hình thức cầm tay chỉ việc sẽ phù hợp hơn với các HTX.

Về phía các HTX, việc chủ động nâng cao, phát triển nguồn nhân lực sẽ tăng khả năng ứng dụng thương mại điện tử hơn và giúp HTX đi theo hướng bền vững.

“Dù luôn nói với các thành viên là làm việc với HTX phải có tinh thần yêu nông nghiệp mới trụ vững được nhưng HTX luôn cân đối để đảm bảo mức lương cho các nhân lực. Hiện, những người làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử của HTX có mức lương từ 12 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng”, anh Lê Minh Trung cho biết.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/de-thuong-mai-dien-tu-thuc-su-la-san-choi-dan-dat-htx-phat-trien-1104168.html
Zalo