Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chuyên nghiệp, bền vững

Cải cách luật pháp, tăng cường quản lý, giám sát, khuyến khích các quỹ đầu tư sẽ là những bước đi cần thiết để đảm bảo tính ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Thị trường bước đầu đi vào chiều sâu

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, ước tính, bình quân trong vòng 6 năm tới mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370.000 tỷ đồng TPDN phát hành mới.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế 8 tháng năm 2024, thị trường có 227 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 215.583 tỷ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng.

Giá trị phát hành theo nhóm ngành 2024. Nguồn: VBMA

Giá trị phát hành theo nhóm ngành 2024. Nguồn: VBMA

Tính từ đầu năm đến 13/9, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 127.888 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 70,4% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 89,994 tỷ đồng).

Đáng mừng là số lượng TPDN chậm trả đã sụt giảm. Theo thống kê của VIS Rating, tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 08/2024 đã giảm nhẹ xuống còn 14,9% so với 15,1% của tháng trước. Tổng số trái phiếu chậm trả phát sinh mới tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024 là 12.700 tỷ đồng.

Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 91.797 tỷ đồng. Chiếm 37,6% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 34.542 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 13.263 tỷ đồng (chiếm 14.4%).

Như vậy, sau giai đoạn khó khăn thị trường TPDN đã xuất hiện những điểm tích cực đang dần có chiều sâu và đúng bản chất là kênh huy động vốn trung, dài hạn để phát triển bền vững.

Ở góc nhìn của đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FiinRatings cho biết, thị trường TPDN đã bước đầu phát triển có chiều sâu. Dù khối lượng phát hành chưa phải là lớn nhưng các cái lô phát hành, các đợt phát hành TPDN gần đây đã mang bản chất của một lô trái phiếu nhiều hơn là tín dụng. Bên cạnh đó, những TPDN đã từ lâu vắng bóng trên thị trường như trái phiếu hạ tầng, nước, rác thải, trong thời gian tới sẽ được xếp hạng tín nhiệm và gắn nhãn xanh trái phiếu.

Theo các chuyên gia, để sớm đạt mục tiêu, thị trường cần sớm bổ sung chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm nâng cao chất lượng nhà đầu tư hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý giám sát thị trường.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ rủi ro của một doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Việc có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt và giảm thiểu các rủi ro không cần thiết.

Hiện tại, một số công ty quản lý quỹ đã bắt đầu sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm và đường cong lãi suất để đánh giá rủi ro của các mã TPDN. Tuy nhiên, độ bao phủ của xếp hạng tín nhiệm vẫn còn thấp và cần được phát triển rộng hơn.

Bên cạnh đó, để phát triển thị trường TPDN một cách bền vững, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Một trong những hướng đi chính là xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường, giúp tạo ra sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.

Khuyến khích, mở rộng sự tham gia của các quỹ đầu tư

Một trong những giải pháp đề xuất là mở rộng phạm vi các quỹ đầu tư trái phiếu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường một cách an toàn hơn.

Bà Dương Kim Anh – Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), thanh khoản là một trong điều kiện thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Mức độ phục hồi của thị trường phụ thuộc nhiều vào thanh khoản. Để đảm bảo thanh khoản ở mức cao, thị trường cần có hàng hóa tốt, đa dạng và minh bạch.

Muốn thị trường TPDN trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán TPDN ra công chúng gắn với niêm yết, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn, phát triển các sản phẩm TPDN cho mục tiêu thực hiện dự án dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

“Nếu có một sàn giao dịch tập trung để mọi người có thể mua bán TPDN một cách nhanh chóng hơn, giá cả được xác định một cách rõ ràng và minh bạch hơn thì chắc chắn thanh khoản sẽ cải thiện. Từ đó, lợi nhuận của các quỹ, nhà đầu tư cũng ổn định hơn”, bà Dương Kim Anh chia sẻ.

Mặc dù thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia kinh tế cho biết, sự kỳ vọng vào một tương lai bền vững và minh bạch là hoàn toàn có cơ sở. Cải cách luật pháp, tăng cường vai trò của các tổ chức trung gian và phát triển các công cụ quản lý rủi ro như đường cong lãi suất, xếp hạng tín nhiệm sẽ là những bước đi cần thiết để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo tính ổn định của thị trường.

Cùng với đó, việc khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư tổ chức, cải thiện tính thanh khoản và khả năng tiếp cận vốn sẽ giúp thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp.

Các chuyên gia đều kỳ vọng rằng, với những nỗ lực hiện tại, thị trường TPDN Việt Nam sẽ không chỉ phục hồi mà còn phát triển theo hướng bền vững và an toàn hơn trong những năm tới.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/de-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-phat-trien-chuyen-nghiep-ben-vung.html
Zalo