Đề thi Khoa học xã hội vừa sức, Khoa học tự nhiên 'làm khó' thí sinh
Kết thúc buổi sáng ngày thi thứ 2, các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.
Sáng 8/7, thí sinh làm bài thi tổ hợp, chọn 1 trong 2 bài Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thời gian làm bài mỗi môn thành phần là 50 phút. Mỗi môn gồm 40 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm.
Đề thi Khoa học xã hội vừa sức
Đối với tổ hợp môn thi Khoa học xã hội, sau giờ thi, nhiều thí sinh đánh giá đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa.
Đề thi Lịch sử được đánh giá tương đối dễ, một số câu hỏi có thể dùng phương pháp loại trừ các đáp án sai bằng kiến thức địa lý.
Câu 1 đến câu 30 là các câu hỏi yêu cầu khả năng nhận biết cơ bản, đáp ứng yêu cầu đánh giá để xét tốt nghiệp THPT. Các câu hỏi còn lại khó hơn, yêu cầu thí sinh phải có tư duy lịch sử tốt, đặc biệt là các câu hỏi so sánh, phân tích, vận dụng.
Như vậy, đề thi có mức độ phân hóa tốt. Cách đặt vấn đề trong câu hỏi và đáp án gây nhiễu ở mức phù hợp, đặc biệt ở các câu từ 38-40 ở tất cả mã đề.
Phổ điểm trung bình môn Lịch sử năm 2022 sẽ cao hơn so với năm trước, 5 đến 5,5 điểm.
Nhận xét về đề thi môn Địa lý, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà (Hà Nội) cho rằng đề không khó. Đề thi có sự phân hóa rõ rệt, nhiều câu học sinh đã từng làm, chỉ có các câu từ khoảng 72-80 thuộc mức độ khó.
Phần câu hỏi về vùng kinh tế đòi hỏi thí sinh phải biết liên hệ thực tế, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa. Phần câu hỏi khác cũng làm khó thí sinh là đọc biểu đồ. Những câu hỏi này yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ và luyện tập nhiều.
Theo cô Việt Hà, phổ điểm môn Địa lý có thể dao động trong khoảng 6 đến 7 điểm.
Với môn Giáo dục công dân, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền (Hà Nội) đánh giá đề thi sát với đề minh họa môn bộ ra trước đây. Đề có sự phân hóa đặc biệt với những câu hỏi vận dụng cao. Những câu vận dụng cao, để trả lời được chính xác, thí sinh phải nhận định được đúng yêu cầu của đề bài.
Cô Thu Huyền dự đoán phổ điểm môn Giáo dục công dân chủ yếu rơi vào khoảng 8 đến 8,25.
Đề thi Khoa học tự nhiên có độ khó cao hơn đề minh họa
Ở tổ hợp Khoa học tự nhiên, thầy Đỗ Quang Ngọc, giáo viên môn Vật lý nhận xét, đề thi môn Vật lý ở mức cơ bản, có độ phân hóa tốt, phù hợp với yêu cầu thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Số lượng câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11 không nhiều và chỉ ở mức cơ bản, chủ yếu là lý thuyết nằm trong 3 chương.
Những câu hỏi khó rơi vào 4 câu cuối của đề thi, nhưng không mang tính đánh đố. Theo thầy Quang Ngọc, những câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích đề và khả năng tính toán tốt để tìm ra đáp án chính xác.
Đề thi không có sự khác biệt so với năm 2021. Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT 2022 lại có độ khó cao hơn đề minh họa do Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Thầy giáo dự đoán phổ điểm môn Vật lý năm nay sẽ rơi vào khoảng 7,5 đến 8 điểm.
Với môn Hóa học, thầy Lê Thế Hoài (Hà Nội) nhận định, đề thi năm 2022 đảm bảo tiêu chí vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Đề thi có tính phân loại cao và khó hơn nhiều so với đề minh họa do bộ công bố trước đó. Đặc biệt, 2 câu cực khó là câu điện phân và câu este. Câu este lạ, dễ gây lúng túng cho học sinh. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh, thí sinh vẫn có thể làm được. Câu điện phân cũng khá lạ, thông thường chỉ điện phân hỗn hợp 2 chất, chưa gặp trường hợp điện phân hỗn hợp 3 chất như đề năm nay.
Nhược điểm của đề Hóa học là nặng tính toán, không có câu hỏi thực tế. Cách ra đề này đang đi ngược xu hướng đổi mới trong giáo dục là hóa học gắn liền với đời sống thực tế.
Thầy Thế Hoài dự đoán phổ điểm môn Hóa học năm nay rơi vào khoảng 7 đến 7,5.
Như vậy, qua đề thi của tổ hợp Khoa học tự nhiên cho các thí sinh năm tới kinh nghiệm là nên học đủ các dạng bài, không nên quá phụ thuộc vào đề minh họa.
Chiều 8/7, thí sinh thi tiếp môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài là 60 phút. Đây là môn thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.