Để tạo ra tác phẩm truyền hình lay động lòng người...
Nhà báo Bùi Tấn Sỹ khẳng định: 'Mỗi tác phẩm, người làm truyền hình phải xây dựng kịch bản khác nhau, phải đặt tâm huyết mình vào đó và phải có sức sáng tạo riêng, có điểm nhấn, có nút thắt, có mẫu thuẫn để từ đó tạo ra câu chuyện và nhân vật đầy màu sắc'.
Giữ trọn lời thề dưới cờ Đảng
Trong cuộc đời người làm báo, ai cũng muốn có những tác phẩm báo chí hay, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc, khán giả. Đặc biệt với những tác phẩm về đề tài xây dựng Đảng càng không phải việc làm dễ dàng.
Đối với nhà báo Bùi Tấn Sỹ - Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quảng Nam, để tạo nên sức hấp dẫn của đề tài vốn cho là “khô khan” mỗi tác giả cần có cách thể hiện mới, mang màu sắc chân thật gần gũi để nhân vật tự nói lên câu chuyện của mình, kèm hình ảnh giàu biểu cảm, sinh động, cụ thể, gợi mở nhưng không sáo rỗng…

Tấm gương đảng viên A Song Ba, năm nay vừa tròn 75 năm tuổi đời và 20 năm tuổi Đảng.
Tác phẩm “A Song Ba một lòng theo Đảng” đề cập đến đến tấm gương đảng viên A Song Ba, năm nay vừa tròn 75 năm tuổi đời và 20 năm tuổi Đảng; hiện đang sinh hoạt tại Đảng bộ xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông từng vì tính mạng của dân làng mà chấp nhận bị khai trừ khỏi Đảng, song với tâm huyết, quyết tâm, hết mình vì bà con, ông đã nỗ lực không ngừng trong suốt quá trình dựng làng, xây dựng quê hương và tiếp tục vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1988, dịch tả tại đây đã cướp đi sinh mạng của nhiều người làng Giẻ Triêng. Vừa là Bí thư Chi bộ vừa là Trưởng thôn, ông A Song Ba đã phải đưa ra một quyết định rất khó khăn đó là đưa toàn bộ người dân trong thôn đi tìm nơi ở mới - nơi gần trạm y tế.
Nhưng theo quy định, đảng viên mà để dân rời bỏ làng, di cư tự do, du canh du cư là phải chịu kỷ luật rất nặng. Sau đó ông bị huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum xuống thu thẻ Đảng viên. Bị kỉ luật rồi nhưng ông vẫn cùng với bà con, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, y như hồi còn đảng viên, còn sinh hoạt.
Còn thở là còn phụng sự đồng bào ở vùng đất khó khăn này bằng cả tấm lòng. Với suy nghĩ đó, hơn 35 năm ở vùng đất mới, ông A Song Ba vận động bà con định canh định cư, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Không phá rừng già làm nương rẫy, tích cực khai hoang làm lúa nước. Chính ông Ba đã hiến đất và vận động bà con hiến hơn 2000m2 đất mở đường bê tông nông thôn, rồi đóng góp hàng nghìn ngày công làm nhà văn hóa, mở đường vào khu sản xuất…
Để bà con cùng làm, tại nhiều cuộc họp thôn, ông Ba đều phân tích, nhắc nhở dặn dò và chia sẻ khó khăn cùng bà con… Với những cố gắng đó ông đã góp phần cùng với địa phương đưa tỷ lệ hộ nghèo của Phước Xuân giảm từ 70% xuống còn 12%. Và từ một xã mới chia tách, sinh sau đẻ muộn, nhưng lại về đích trước ở chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện vùng cao Phước Sơn.
Với uy tín và tinh thần tích cực đóng góp cho cộng đồng, làng xã, luôn đi đầu, tiên phong trong các phong trào, cuộc vận động lớn… Năm 2003, ông A Song Ba được kết nạp Đảng lần thứ hai. Từ đó đời sống của đồng bào từ vật chất đến tinh thần ngày một khấm khá. Bà con dân tộc Giẻ Triêng ở đây giờ đã an cư lạc nghiệp ở vùng đất này. Đó chính là nhờ những tấm gương đảng viên ưu tú, già làng mẫu mực như ông A Song Ba.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ và đồng nghiệp tại Đài PT-TH Quảng Nam trong chuyến đi huyện miền núi Phước Sơn.
Nhà báo Bùi Tấn Sỹ chia sẻ: “Để triển khai đề tài này tôi liên tục di chuyển lên huyện miền núi Phước Sơn, đi đi về về thường xuyên. Để có phóng sự hay về nhân vật, mình phải theo câu chuyện của họ, đi theo họ chứ không lấy thông tin hình ảnh, phỏng vấn một lần xong về. Đối với những phóng sự về gương Đảng viên, cái khó nhất vẫn là tìm nhân vật và phải theo đuổi nhân vật. Chúng tôi may mắn gặp được nhân vật đặc sắc, họ có một chút lạ lùng, khó hiểu nhưng là một người Đảng viên tiêu biểu của địa phương. Họ có một quá trình dài gắn bó với nhân dân, vượt qua các khó khăn thử thách khác nhau”.
Điều đặc biệt của ông A Song Ba là dù ông bị khai trừ Đảng rồi nhưng vẫn sinh hoạt trong chi bộ giống như thời còn đảng viên. Ông chờ để được vào Đảng lần thứ hai, ông coi việc này để làm tấm gương cho con cháu noi theo, sống và làm việc đúng đường lối của Đảng. Cho đến thời điểm bây giờ trong gia đình đã có 6 đảng viên, thành gia đình 3 thế hệ đảng viên kiên trung với Đảng.
Đặt tâm huyết mình vào từng tác phẩm truyền hình
Không chỉ chọn được nhân vật đắt, phóng sự “A Song Ba một lòng theo Đảng” được nhà báo Bùi Tấn Sỹ chọn cách thể hiện chân thật giống như người đứng bên cạnh chứng kiến. Tác phẩm không sử dụng lời bình của biên tập viên mà để các nhân vật tự nói ra tất cả. Phóng sự dùng hình ảnh cùng với tiếng động tự nhiên từ hiện trường làm cho người xem cảm nhận được sự tự nhiên, gần gũi như đang ở trong ngôi làng đó.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ và đảng viên A Song Ba hiện đang sinh hoạt tại Đảng bộ xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam
Tuy nhiên để nhân vật tự nói lên câu chuyện của mình, nhà báo Bùi Tấn Sỹ và đồng nghiệp nhiều lần đến, ở lại với người dân nơi đây, lâu dần họ giống như người trong làng, người thân trong gia đình. Chính vì thế các nhân vật mới dốc bầu tâm sự, kể hết những câu chuyện, những khúc mắc trong lòng. Điều này chứng minh một điều rằng, khi người làm báo đến với họ bằng sự thật lòng, họ cũng đối lại với người làm báo thật lòng như thế.
“A Song Ba một lòng theo Đảng” như một lời khẳng định về phẩm chất kiên trung của người Đảng viên, là đầu tàu gương mẫu trong mọi công tác vận động tuyên truyền bà con thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Khi đã đứng vào hàng ngũ của Đảng luôn một lòng, một dạ theo Đảng và làm tất cả những gì có lợi cho nhà nước, cho nhân dân.
Dù có bị khai trừ, bị thu hồi thẻ Đảng nhưng họ không buông xuôi, không từ bỏ, một lòng vì người dân, dù kết nạp vào Đảng lần một hay lần hai thì người Đảng viên đó vẫn tiếp tục phấn đấu, khẳng định vai trò của mình. Câu chuyện “A Song Ba một lòng theo Đảng” cũng truyền đi thông điệp cho những người Đảng viên ngày nay, dù có vi phạm quy định, mắc khuyết điểm nào thì vẫn không từ bỏ, tiếp tục phấn đấu để sửa chữa sai lầm và phấn đấu tốt hơn nữa trong tác xây dựng Đảng, vì nhiệm vụ phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân.
Chia sẻ kinh nghiệm để có tác phẩm truyền hình hấp dẫn trong thời đại mà công nghệ lên ngôi hiện nay, nhà báo Bùi Tấn Sỹ cho rằng: “Trong thời đại mà công nghệ làm truyền hình phát triển như vũ bão, những tác phẩm truyền hình được xây dựng chân thật từ hơi thở cuộc sống vẫn có sức hút đặc biệt. Chúng ta vẫn nhắc đến câu chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) viết được kịch bản, AI dựng được nội dung tác phẩm truyền hình. Tuy nhiên để có tác phẩm có sức hút, đi vào lòng người thì bản thân người làm truyền hình phải đi, phải xâm nhập vào đời sống đang biến đổi không ngừng, ở đó có những câu chuyện, khai thác góc khuất, chi tiết không ai biết tới”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao giải cho tác giả Bùi Tấn Sỹ với tác phẩm “A Song Ba-một lòng theo Đảng”. Ảnh: NVCC
“Mỗi tác phẩm, người làm truyền hình phải xây dựng kịch bản khác nhau và phải đặt tâm huyết mình vào đó và mình phải có sức sáng tạo riêng của mình, có điểm nhấn, có nút thắt, có mâu thuẫn để từ đó tạo ra câu chuyện, nhân vật đầy màu sắc, những chi tiết sống động mà không công nghệ nào có thể sáng tạo ra”, nhà báo Bùi Tấn Sỹ tâm sự.
Ngày 20/1/2025, ông A Song Ba, được Ban tổ chức Giải Búa liềm Vàng lần thứ IX năm 2024, chọn là 1 trong 7 đảng viên tiêu biểu toàn quốc để vinh danh.
Ngày 22/3/2025, Đài PT&TH Quảng Nam xuất sắc giành giải Vàng ở thể loại phóng sự tại Chương trình Trao giải Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 42 với tác phẩm: ”A Song Ba một lòng theo Đảng” của nhóm tác giả Bùi Tấn Sỹ-Nguyễn Phúc Lâm, phòng Dân tộc và Miền núi.