Đề tài sử Việt cho điện ảnh: 'Mỏ vàng' đang bỏ lỡ

Đất nước ta có kho lịch sử phong phú với nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật đặc biệt để đưa lên màn ảnh, trao truyền cho hậu thế về lòng yêu nước, niềm tự tôn dân tộc. Tuy nhiên điện ảnh Việt chưa tận dụng được 'mỏ vàng' này.

1. Hơn 70 năm qua (tính từ năm 1953 - Điện ảnh Cách mạng Việt Nam ra đời) số lượng phim khai thác đề tài sử Việt còn khiêm tốn. Ít về số lượng có nhiều nguyên nhân, song để sản xuất được một bộ phim đề tài sử Việt thì kinh phí là khó khăn đầu tiên, do khoản đầu tư cao hơn so với phim có câu chuyện và bối cảnh hiện đại, như Khát vọng Thăng Long (2010) là 60 tỷ đồng, Tây Sơn hào kiệt (2010) 12 tỷ đồng, Thiên mệnh anh hùng (2012) 25 tỷ đồng… trong khi kinh phí trung bình từ 5-8 tỷ đồng/phim. Phim đề tài sử Việt cần phải phục dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ... mà Việt Nam lại không có phim trường chuyên nghiệp, hay chỉ được dựng tạm, quay phim xong là tháo bỏ. Nhất là trong điều kiện đô thị hóa khắp nơi, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường bê tông thẳng tắp thì việc phục dựng được bối cảnh xưa, chẳng hạn như Thăng Long thế kỷ XVIII rất khó khăn. Mới đây, phim Vầng trăng thơ ấu về thời niên thiếu của Bác Hồ và lịch sử chống Pháp cuối thế kỷ XIX nhận được sự giúp đỡ tối đa của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An khi cho mượn nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ (Huế), di tích lưu niệm ngôi nhà bên quê ngoại làng Hoàng Trù (Nghệ An), thành nội Huế... song đoàn phim vẫn phải phục dựng một số bối cảnh: khu chợ nhỏ ở làng cổ Phước Tích, Đàn Nam Giao, Miếu Âm Hồn... Kỹ thuật công nghệ hiện đại giúp phim đề tài sử Việt có thể khắc phục được hạn chế về bối cảnh, nhưng để áp dụng được công nghệ một cách hoàn hảo thì kinh phí vẫn luôn là bài toán khó. Vì vậy, hiếm phim sử Việt có đại cảnh “mãn nhãn” khán giả như phim lịch sử nước ngoài.

Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng

Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng

2. Một thực tế cho thấy phim đề tài sử Việt không dễ dàng thu hồi vốn. Như phim Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ, năm 2012) kinh phí 25 tỷ đồng, doanh thu chỉ 16,4 tỷ; Mỹ nhân (kinh phí 16 tỷ, thu về 500 triệu đồng - năm 2015); Huyền sử vua Đinh (kinh phí 8 tỷ, thu được 42,8 triệu - năm 2022).

Bởi chưa giải được bài toán về doanh thu, mà phải bỏ ra một số tiền đầu tư lớn nên ít tư nhân mặn mà làm phim đề tài sử Việt. Cố NSND Lý Huỳnh cũng phải ngừng vô thời hạn nhiều dự án dày công ấp ủ sau phim Tây Sơn hào kiệt không khả quan về doanh thu. Phim sử Việt do Nhà nước đầu tư và đặt hàng chủ yếu chiếu tuyên truyền rồi cất kho. Hơn nữa câu chuyện và cách thức làm phim còn hàn lâm, không được quảng bá (chỉ có kinh phí sản xuất, không có kinh phí phát hành) nên chưa thu hút được khán giả trẻ. Đào, phở và piano chiếu dịp Tết Nguyên đán 2024 và trở thành “hiện tượng” phòng vé của phim lịch sử cũng chỉ thu hơn 20 tỷ đồng, phim Hồng Hà nữ sĩ, Vầng trăng thơ ấu vẫn chưa được công chiếu rộng rãi.

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho biết: “Với phim do Nhà nước đặt hàng thì chúng tôi rất mong muốn được phổ biến rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là dòng phim lịch sử dành cho thiếu nhi hiện nay rất khan hiếm. Tuy nhiên, chúng tôi hiện đang phải đợi các thủ tục từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch”.

Cảnh trong phim Hồng Hà nữ sĩ

Cảnh trong phim Hồng Hà nữ sĩ

3. Hiện nay, khán giả Việt được xem nhiều bộ phim đến từ các nền điện ảnh lớn, trong đó có nhiều bộ phim lịch sử của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ thuộc hàng “bom tấn” được đầu tư rất lớn, kinh phí lên tới hàng chục, hàng trăm triệu USD. Nên khi phim đề tài sử Việt ra rạp luôn bị so sánh, gây tranh cãi ồn ào, chất vấn về nội dung, bối cảnh, trang phục, lời thoại... Đạo diễn Lý Minh Thắng từng bày tỏ: “Muốn đạt chất lượng hơn thì phải qua số lượng trước. Phải có nhiều người cùng làm phim sử Việt thì mọi khâu mới được xây dựng từ từ thành một thị trường, như vậy chi phí mới thấp. Đồng thời, khán giả cần có cái nhìn công tâm, cởi mở hơn cho phim lịch sử Việt trong việc phê bình, đánh giá, bởi sử Việt có nhiều giai đoạn thiếu tư liệu chính xác và ngay cả khi có tài liệu thì lên phim cũng sẽ có nhiều góc nhìn từ sự sáng tạo của người làm phim".

Thành công của Đào, phở và piano cho thấy dòng phim lịch sử nói chung luôn có sức hút và giá trị riêng đối với mỗi thế hệ khán giả. Trên nhiều diễn đàn, rất nhiều khán giả cho biết sẵn sàng ủng hộ phim sử Việt nếu tác phẩm được thực hiện bởi đội ngũ có tâm, có tầm. Khi có nhiều phim chất lượng ra đời thì “mỏ vàng” sử Việt không chỉ mang lại giá trị về mặt nghệ thuật (đặc biệt là bản sắc văn hóa thuần Việt) mà còn giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ.

Sau thời gian dài “án binh bất động”, hiện có các dự án sử Việt của tư nhân như Chiến bào - về anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở rừng núi Lam Sơn - Chí Linh (Thanh Hóa) ở thế kỷ XV; Hoàng hậu cuối cùng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Tình sử Nam Phương Hoàng hậu; Anh hùng dựa trên nguồn cảm hứng lịch sử về vụ án Lệ Chi Viên thời Lê Sơ... đang quay hoặc chuẩn bị khởi quay. Ngoài ra còn có Trưng Vương, Quỳnh hoa nhất dạ, Huyết rồng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Đại chiến Bạch Đằng Giang... đã công bố và khởi động dự án.

“Chúng tôi luôn biết kỳ vọng của khán giả dành cho phim lịch sử cao hơn, nên một khi bắt tay vào làm phim lịch sử thì đã có cái tâm muốn làm cho thật tốt, với mục tiêu giúp cho khán giả trẻ ngày càng quan tâm, yêu thích lịch sử Việt, cũng như dòng phim này tại Việt Nam”.

Đạo diễn Lý Minh Thắng

Đan Khanh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-tai-su-viet-cho-dien-anh-mo-vang-dang-bo-lo-313020.html
Zalo