Để sống một mình mà không cô độc
LTS: Già hóa dân số là câu chuyện của toàn cầu, không riêng Việt Nam. Các số liệu năm 2021-2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, 65% số người cao tuổi ở Việt Nam đang sống với con cháu, 35% số người có tuổi đang sống chung với nhau hoặc cô độc. Trong cuộc sống hiện đại số, người cao tuổi cần trang bị các kỹ năng mới về công nghệ số, để sống một mình nhưng không cô độc.
Tiến sĩ Catherine Earl là giảng viên cấp cao về truyền thông tại Đại học RMIT Việt Nam. Bà cũng là đồng biên tập viên sách Research Handbook of Inequalities in Later Life (Sổ tay nghiên cứu về tình trạng bất bình đẳng trong cuộc sống sau này) do nhà xuất bản Edward Elgar, Anh ấn hành tháng 6-2024. Tác giả đã dành cho Kinh tế Sài Gòn cuộc trao đổi xoay quanh đề tài trên.
Tiến sĩ Catherine Earl
KTSG: Thưa bà, bối cảnh xã hội đang già đi tại Việt Nam có gì khác với các nước Đông Nam Á trong khu vực?
- Tiến sĩ Catherine Earl: Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về ASEAN trong năm 2020 chỉ ra rằng, các nước ASEAN sẽ già đi trước khi trở nên giàu có. Tình trạng này là do những thay đổi nhân khẩu học hiện đại, khi chăm sóc sức khỏe tốt hơn, khiến tuổi thọ tăng nhưng sinh suất lại giảm.
Việt Nam phải đối mặt với một số thách thức chung lẫn riêng. Số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy khoảng cách về tuổi thọ giữa nam giới và nữ giới ở Việt Nam là lớn nhất trong khu vực ASEAN - nữ thọ hơn nam 9,1 tuổi. Nam giới Việt Nam, giống như nam giới ở sáu quốc gia ASEAN khác, đều có tuổi thọ dưới 70 tuổi.
Duy trì cuộc sống tại nhà suốt đời là một thách thức lớn với xã hội đang già hóa tại Việt Nam. Đảm bảo có một chỗ ở phù hợp, đáp ứng nhu cầu thể chất và tinh thần là thiết yếu để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của cha mẹ và ông bà chúng ta. Nguy cơ vô gia cư trong cuộc sống sau này có thể là nguyên nhân gây sợ hãi và lo lắng cho một số người già, dễ bị tổn thương. Đối với tất cả mọi người, mức độ gắn kết cộng đồng, hỗ trợ xã hội và tình bạn giúp chống lại sự cô đơn và thúc đẩy cảm giác tự tin về giá trị bản thân.
Sở hữu nguồn thu nhập ổn định ở tuổi xế chiều là điều quan trọng để duy trì phẩm giá, sự tự chủ và độc lập ở người cao tuổi. ILO chỉ ra rằng chỉ hơn một phần tư (26,2%) người dân ở Việt Nam đóng góp vào hệ thống lương hưu tuổi già (bảo hiểm xã hội), so với khoảng một nửa (53,7%) trên toàn thế giới. Hệ thống hưu trí toàn diện với chế độ bảo hiểm toàn diện, mức lương hưu đủ sống là một nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam.
Xã hội ngày nay không chỉ có một thế hệ cao tuổi. Với trình độ của y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, tuổi thọ con người ngày một cao hơn, người “già” có thể là 60, 70, 80, 90 hoặc 100 tuổi. Nhu cầu của các độ tuổi khác nhau sẽ không giống nhau. Tuổi tác không phải là yếu tố quyết định tốt đối với nhu cầu của một nhóm tuổi. Trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau, bao gồm cả hộ gia đình chỉ có một người, nhu cầu của người cao tuổi có thể khác nhau đáng kể.
Bất bình đẳng mới nổi bắt nguồn từ thay đổi xã hội cũng khác nhau đối với các nhóm người cao tuổi khác nhau. Chuyển đổi số đã thay đổi xã hội sâu sắc, và những thay đổi này vẫn đang diễn ra. Một xã hội số sẽ tiếp tục chuyển đổi và phát triển.
KTSG: Trong xã hội hiện đại như nói trên, chúng ta nên chú ý đến cuộc sống số dành riêng cho người lớn tuổi như thế nào?
- Học hỏi ngôn ngữ số là thách thức mới của xã hội hiện đại. Chẳng hạn, ông bà có thể đã có điện thoại thông minh, thoải mái đăng ảnh con cháu lên mạng xã hội hoặc xem các buổi phát hình trực tuyến của con cháu.
Nhưng, họ có thể chưa có kỹ năng hiểu biết về công nghệ số để tải xuống ứng dụng hoặc sử dụng an toàn các dịch vụ tài chính và ngân hàng trực tuyến mà không bị lừa đảo. Nếu họ sống trong hộ gia đình chỉ có một người, họ có thể được hưởng lợi từ đào tạo về hiểu biết về công nghệ số và an toàn trực tuyến để đảm bảo rằng họ có thể sống độc lập, an toàn và tự tin.
Hiểu biết về công nghệ số ngày càng quan trọng đối với các kết nối xã hội với gia đình và bạn bè. Giao tiếp hàng ngày không thể tách rời khỏi điện thoại và các thiết bị thông minh khác. Việc giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở các thành phố và quốc gia khác cũng phụ thuộc vào giao tiếp số.
Bên cạnh giao tiếp, hầu hết các khía cạnh của cuộc sống hiện đại đều được định hình từ những hiểu biết công nghệ số. Các dịch vụ, bao gồm chăm sóc sức khỏe, đều phụ thuộc vào khả năng sử dụng thiết bị số và kiến thức kỹ thuật số. Người cao tuổi, đặc biệt là những người sống trong hộ gia đình chỉ có một người, nên có quyền truy cập vào các dịch vụ y tế điện tử giống như những nhóm tuổi khác. Đây là lĩnh vực khác mà người cao tuổi, đặc biệt là những người sống trong hộ gia đình một người, cần được đào tạo về kiến thức số và an toàn trực tuyến.
Giải trí trực tuyến có thể là chuyện khó cho người cao tuổi, ít tự tin khi sử dụng thiết bị số. Chẳng hạn, nếu cha mẹ hoặc ông bà thường xuyên xem YouTube, quảng cáo sẽ theo sở thích của họ.
Họ có thể không hiểu tại sao điều đó lại xảy ra hoặc có thể không chấp nhận rằng điều đó xảy ra với những người khác trong gia đình. Điều này có thể khiến họ tin rằng họ đang bị giám sát, khiến họ trở nên khó chịu với con cái, người chăm sóc. Hệ quả là việc chăm sóc trở nên vất vả hơn.
KTSG: Người trẻ sống độc thân, kết hôn trễ. Xã hội Việt Nam ngày càng có nhiều hộ gia đình một người, bao gồm người trẻ, người ly hôn và người cao tuổi sống đơn độc. Cấu trúc xã hội như vậy cần những thay đổi gì tiếp theo, thưa bà?
- Cấu trúc gia đình thay đổi có thể phá vỡ mạng lưới chăm sóc dài hạn và quan hệ họ hàng, như bằng chứng trong trường hợp hộ gia đình một người. Tuy nhiên, sống một mình không nhất thiết có nghĩa là người lớn tuổi sẽ cô độc, không ai đỡ đần. Các thành viên trong gia đình có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số để hỗ trợ cha mẹ và ông bà của mình, chẳng hạn như đặt đồ ăn hoặc giao thuốc đến nhà. Dành thời gian chăm sóc người lớn tuổi có thể là một thách thức đối với thế hệ trẻ bận rộn với công việc và cam kết học tập.
Các sáng kiến đổi mới xã hội có thể hỗ trợ cả người lớn tuổi và người trẻ tuổi, tối đa hóa chất lượng tương tác của họ và giải quyết nhu cầu chăm sóc của người lớn tuổi theo cách thiết thực và tôn trọng, đảm bảo người lớn tuổi có thể duy trì sự độc lập, phẩm giá và niềm vui sống. Cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của người lớn tuổi, để xã hội hiểu hơn nhu cầu của họ, và các thành viên trong gia đình được trang bị hiểu biết tốt hơn nhằm hỗ trợ và chăm sóc các thành viên lớn tuổi trong nhà.
Có những mối quan tâm mới nổi khác đối với dân số già, chẳng hạn như khuyết tật. Những người sống chung với khuyết tật trong suốt cuộc đời phải đối mặt với những thách thức của tuổi già. Người cao tuổi khác có thể phải đối mặt với thách thức của tình trạng khuyết tật liên quan đến tuổi tác. Các sáng kiến đổi mới xã hội, đặc biệt là thiết kế phổ quát và công nghệ thông minh, có thể hỗ trợ người cao tuổi ở mọi cấp độ khả năng sống độc lập, bao gồm cả trong hộ gia đình một người.
Do đó, phát triển thành phố thông minh là ưu tiên trong không gian này, cho phép cộng đồng đi trước những thách thức mà xã hội già hóa mang lại. Dân số già, bao gồm các hộ gia đình một người đang gia tăng, có thể hưởng lợi từ phát triển thành phố thông minh và các sáng kiến đổi mới xã hội tận dụng chuyển đổi số, sử dụng các công nghệ mới vì lợi ích chung, để người cao tuổi không bị bỏ lại ở phía sau.