Để sinh viên khởi nghiệp thành công
Với sự hỗ trợ cần thiết, sinh viên có thể biến những ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, từ đó tạo dựng sự nghiệp và để lại dấu ấn riêng biệt trên thị trường.
Trong những năm du học tại Mỹ, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch UpYouth Trần Tuấn Minh (Brian Minh Trần) đã chứng kiến bạn bè cùng trang lứa tự tin thử nghiệm những ý tưởng táo bạo, nhờ có hệ sinh thái hỗ trợ đầy đủ từ cố vấn, quỹ đầu tư, đến mạng lưới cộng đồng.
Ở đó có những câu chuyện truyền cảm hứng như Bill Gates bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 19 khi ông sáng lập Microsoft, hay Mark Zuckerberg sáng lập Facebook ở tuổi 20. Những câu chuyện này không chỉ là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ dám làm của người trẻ, mà còn cho thấy vai trò của hệ sinh thái hỗ trợ trong việc biến ý tưởng thành hiện thực.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều người trẻ có ý tưởng sáng tạo nhưng lại thiếu những nguồn lực cần thiết để bắt đầu, nên hầu hết chỉ để đi thi.
Anh Minh tự hỏi “Nếu không ai làm điều này, ai sẽ giúp những giấc mơ đó không chết yểu?”. Từ đó, anh quyết định trở về Việt Nam và cùng đội ngũ sáng lập UpYouth, với mong muốn xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thực chiến dành riêng cho sinh viên và những người trẻ, lấp đầy khoảng trống mà thế hệ trẻ tại Việt Nam đang gặp phải khi muốn bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Theo anh, sinh viên khởi nghiệp liệu có thể đưa dự án ra thương mại hóa hay không hay thường chỉ mang tính khuyến khích tinh thần khởi nghiệp?
Anh Trần Tuấn Minh: Tôi tin rằng sinh viên hoàn toàn có thể đưa các dự án khởi nghiệp của mình ra thương mại hóa nếu được hỗ trợ đúng cách và có hướng đi rõ ràng. Điều này cũng đã được chứng minh ở các nước trên thế giới như việc Facebook, SnapChat hay Microsoft đều được lập khi các nhà sáng lập còn ở độ tuổi sinh viên. Khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo hay để “thử sức” mà hoàn toàn có thể trở thành nền tảng cho những sản phẩm và doanh nghiệp thực sự mang lại giá trị trên thị trường.
Thực tế tại UpYouth đã chứng minh điều này. Trong chương trình vườn ươm, UpYouth đã hỗ trợ hơn 40 startup sinh viên, trong đó có nhiều ý tưởng đã gọi vốn tổng 4,5 triệu USD. Đặc biệt có một startup là một trong những startup có nhà sáng lập trẻ nhất Đông Nam Á được rót vốn 1 triệu USD từ quỹ đầu tư Singapore đã đầu tư vào Elsa. Điều này là một ghi nhận rất lớn với UpYouth, khẳng định chất lượng startup trẻ từ UpYouth được chính các nhà đầu tư của thế giới công nhận, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông gọi vốn khi rất nhiều startups phải thu mình lại hiện nay.
Đâu là cơ hội lớn cũng như điểm mạnh mà thế hệ Z tại Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, có thể tận dụng để tạo dấu ấn riêng trên hành trình xây dựng sự nghiệp?
Anh Trần Tuấn Minh: Thế hệ Z tại Việt Nam đang sống trong một thời kỳ đặc biệt khi công nghệ và internet đã làm phẳng thế giới hơn bao giờ hết. Internet, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến không chỉ giúp họ tiếp cận kiến thức từ khắp nơi trên thế giới mà còn mở ra cơ hội kết nối trực tiếp với nhà đầu tư, cố vấn và đối tác quốc tế – điều mà thế hệ trước đây khó lòng đạt được.
Một ví dụ tiêu biểu là thành công, dù không phải của thế hệ Z nhưng cũng kế cận, là của Sky Mavis, startup Việt sáng tạo nên trò chơi Axie Infinity, đã vươn tầm quốc tế và trở thành một trong những dự án blockchain nổi bật nhất toàn cầu, huy động được hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế mà trụ sở đặt tại Việt Nam. Thành công này chứng minh rằng, nếu người trẻ biết tận dụng thế mạnh công nghệ và tư duy toàn cầu, họ hoàn toàn có thể xây dựng những sản phẩm mang tầm ảnh hưởng lớn ngay tại Việt Nam.
Thế hệ Z Việt Nam không chỉ có lợi thế từ công nghệ và sự kết nối toàn cầu mà còn thừa hưởng tinh thần và phẩm chất đáng tự hào từ các thế hệ đi trước. Việt Nam là một quốc gia đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất của lịch sử, chiến thắng những cường quốc lớn trong chiến tranh bằng khả năng linh hoạt vượt trội.
Tôi vẫn nhớ một câu nói từ một người thầy rằng, chỉ khi hiểu mình và dùng chính sức mạnh của dân tộc mới có thể cạnh tranh được với thế giới, như cách ông cha ta đã từng làm. Thực tế cho thấy người Việt rất nhanh nhạy, cộng đồng, và linh hoạt, và người trẻ Việt hoàn toàn có thể dùng điểm mạnh này để chinh phục thế giới mà không phải đi tìm đâu xa.
Sinh viên sẽ cần hỗ trợ như thế nào để đưa ý tưởng thành sản phẩm thương mại hóa?
Anh Trần Tuấn Minh: Để đưa ý tưởng của sinh viên thành sản phẩm thương mại hóa, các bạn trẻ cần một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện.
Đầu tiên, sinh viên cần sự hướng dẫn từ các cố vấn thực chiến, những người đã từng thành công và thất bại trong thực tế. Cố vấn không chỉ giúp các bạn hiểu cách biến ý tưởng thành sản phẩm mà còn chia sẻ những bài học kinh nghiệm, từ việc xây dựng mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm đến cách gọi vốn. Ví dụ, tại UpYouth, việc kết nối sinh viên với các CEO, nhà đầu tư, và chuyên gia trong ngành đã giúp nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên trở thành những sản phẩm thực tế có giá trị với kết quả nêu trên, thay vì chỉ nằm trên giấy.
Tiếp theo, việc tiếp cận nguồn vốn cũng là yếu tố rất quan trọng. Để phát triển sản phẩm, sinh viên cần có vốn để nghiên cứu, sản xuất và tiếp thị. Tuy nhiên, đây lại là một thách thức lớn vì sinh viên thường thiếu kinh nghiệm và uy tín khi gọi vốn. Do đó, các quỹ đầu tư thiên thần, các chương trình tài trợ từ trường đại học hoặc các doanh nghiệp lớn có thể đóng vai trò như bệ phóng để giúp các bạn vượt qua giai đoạn đầu khó khăn.
Ngoài ra, sinh viên cần được hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ thông qua các không gian làm việc chung, phòng thí nghiệm, hay xưởng sản xuất thử nghiệm. Đây là nơi các bạn có thể hiện thực hóa ý tưởng, thử nghiệm và cải tiến sản phẩm với sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Đồng thời, việc đào tạo kỹ năng thực chiến như quản lý dự án, phát triển thương hiệu hay lãnh đạo đội nhóm từ chính kinh nghiệm làm việc thực tế cũng rất cần thiết để sinh viên có thể tự tin vận hành một dự án khởi nghiệp.
Để đưa ý tưởng của sinh viên thành sản phẩm thương mại hóa, các bạn trẻ cần một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện.
Anh Trần Tuấn Minh, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch UpYouth
Câu chuyện mà thế hệ trẻ sẽ kể khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình là gì, theo anh?
Anh Trần Tuấn Minh: Đây cũng chính là câu chuyện và sứ mệnh mà tôi mong muốn hiện thực hóa trong thời gian sắp tới, rằng Việt Nam không chỉ được biết tới là đất nước gia công xuất khẩu, mà được biết tới là một đất nước sáng tạo với nhiều thương hiệu toàn cầu đẳng cấp quốc tế. Việt Nam từ lâu đã được biết đến như một trung tâm gia công xuất sắc trong các lĩnh vực như sản xuất và phần mềm. Các nhà máy của chúng ta sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi năm cho các thương hiệu lớn trên thế giới, và các công ty công nghệ Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng phần mềm toàn cầu.
Thế hệ trẻ như tôi đang khát khao chứng minh với thế giới rằng Việt Nam không chỉ làm phần gốc xuất sắc (là sản xuất/gia công), nhưng cũng là một quốc gia sáng tạo, nơi sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam” sáng tạo và đổi mới trên toàn cầu. VinFast là một minh chứng rõ nét cho sự chuyển đổi này. Đây là ví dụ rõ ràng nhất và cũng tiếp thêm động lực cho những người trẻ như tôi rằng Việt Nam ngoài gia công giỏi mà còn có thể tạo ra những thương hiệu có giá trị trên trường quốc tế.
Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay có đủ năng lực và cơ hội để thực hiện điều đó. Chúng ta đã xây dựng được một nền tảng vững chắc từ các thế hệ đi trước, từ những kỹ năng sản xuất đến khả năng thích nghi nhanh trong môi trường toàn cầu hóa. Bây giờ, điều cần làm là kết hợp nền tảng đó với tư duy sáng tạo, khả năng đổi mới và một tầm nhìn dài hạn. Người trẻ như tôi sẽ mong muốn đóng góp không chỉ một VinFast, mà còn nhiều thương hiệu ra toàn cầu hơn nữa mà bất cứ ai cũng biết đến. Và đó sẽ là câu chuyện mà chúng ta tự hào kể với thế giới.
Trên hành trình kể câu chuyện đó, hẳn các bạn đối mặt với không ít thách thức, cụ thể là gì?
Anh Trần Tuấn Minh: Với người trẻ như tôi, hành trình đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính cốt lõi. Trong đó, hai thách thức lớn nhất cho những người trẻ chính là việc có mạng lưới quan hệ (network) thực chiến và tiếp cận nguồn vốn đủ mạnh.
Về xây dựng network thực chiến để chia sẻ kiến thức và nguồn lực, sự kết nối giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau trong lĩnh vực khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Kiến thức thực chiến – những bài học, kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế – lại chính là yếu tố cần thiết để thế hệ trẻ có thể rút ngắn hành trình của mình. Trong khi tài liệu lý thuyết hay các nguồn tài nguyên từ nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, thì những bài học mang tính thực tiễn như "làm thế nào để quản lý đội nhóm trong bối cảnh văn hóa Việt Nam" hay tính chất đặc thù đưa thương hiệu Việt ra thế giới lại không thể học được từ sách vở.
Một mạng lưới tốt với những người thực chiến không chỉ giúp chia sẻ kinh nghiệm mà còn tạo ra những nguồn lực cần thiết như cơ hội hợp tác, niềm tin để gọi vốn, hay các mối quan hệ chiến lược để mở rộng thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng khi khởi nghiệp toàn cầu là một hành trình dài hơi, đòi hỏi sự đồng hành của những người đã trải qua và hiểu được giá trị của tinh thần kiên trì, không từ bỏ.
Thách thức thứ hai là tiếp cận nguồn vốn lớn để xây dựng thương hiệu toàn cầu. Đưa một thương hiệu ra thị trường quốc tế không chỉ cần một sản phẩm tốt mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính. Không chỉ riêng người trẻ mà tôi tin các startup tại Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các phương thức vốn đầu tư đa dạng, đặc biệt là những khoản đầu tư có thời gian hoàn vốn dài và rủi ro cao, khi sứ mệnh đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu với độ thành công phải tính bằng năm.
Điều gì trong nội tại sẽ giúp các bạn vượt qua?
Anh Trần Tuấn Minh: Tôi tin rằng nội tại của thế hệ trẻ Việt Nam chính là sự sáng tạo và tinh thần linh hoạt. Đây là di sản tinh thần mà chúng tôi thừa hưởng từ các thế hệ đi trước – những người đã vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng đất nước.
Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay có khả năng thích nghi rất nhanh với các xu hướng toàn cầu. Chúng tôi không ngại học hỏi từ những người giỏi hơn, không ngại thay đổi khi cần thiết và luôn sẵn sàng áp dụng công nghệ để tối ưu hóa mọi thứ, từ cách quản lý đến cách xây dựng sản phẩm.
Điều gì các bạn còn thiếu cần bổ sung?
Anh Trần Tuấn Minh: Thứ nhất là kỹ năng thực chiến. Như tôi đã chia sẻ, chắc chắn những kinh nghiệm thực chiến như việc quản lý đội nhóm, cách đưa thương hiệu ra các quốc gia khác, hoặc điều hành startup trong bối cảnh văn hóa Việt Nam là những kiến thức mà không phải tài liệu hay chương trình đào tạo nào cũng có thể cung cấp.
Thứ hai là sự tự tin vào giá trị bản thân. Nhiều bạn trẻ có những ý tưởng rất tốt nhưng lại chưa dám nghĩ rằng chúng có thể vươn tầm quốc tế. Điều này đến từ việc thiếu cơ hội được tiếp xúc với các nhà khởi nghiệp thành công, người mà các bạn có thể học hỏi và nâng cao niềm tin vào năng lực của chính mình.
Xin cảm ơn anh!