Đề phòng tăng huyết áp gây đột quỵ
Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Tai biến này thường để lại di chứng hết sức nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, bại não, hôn mê, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong.
Tăng huyết áp dễ gây đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu nuôi não bị nghẽn tắc (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) hoặc bị vỡ (đột quỵ do xuất huyết). Khi đó phần bị thiếu máu của não không thể hoạt động và bộ phận của cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động.
Ngày nay, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và cũng là nguyên nhân chính gây tàn tật nghiêm trọng và lâu dài. Những người trên 55 tuổi có nhiều khả năng bị đột quỵ hơn và càng lớn tuổi thì nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Nam giới, những người bị tiểu đường hay bệnh tim có nguy cơ bị đột quỵ nhiều nhất.
Tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao (gặp trong những cơn cao huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não.
Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngừng trệ việc cung cấp máu, gây ra thiếu máu cục bộ tại não và xuất hiện những triệu chứng lâm sàng mà người ta gọi là đột quỵ.
Thông thường, bệnh mạch máu não hình thành và phát triển một thời gian trước khi gây đột quỵ não. Bệnh có thể có triệu chứng báo trước, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì cho đến khi đột quỵ xảy ra.
Nếu được phát hiện bệnh trước khi đột quỵ, bệnh nhân có thể sẽ được tư vấn điều trị để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ. Như thế sẽ là lý tưởng vì tránh được tổn thương cho các tế bào não.
Cần kiểm soát huyết áp và phát hiện sớm đột quỵ
Để phòng ngừa biến chứng của tăng huyết áp, việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng. Người bệnh cần thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát và quản lý huyết áp cao.
Cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp đối với người béo phì là giảm cân, ngay cả khi chỉ giảm một lượng nhỏ. Thường xuyên hoạt động thể chất là một trong những điều kiện lý tưởng để giảm đi tình trạng tăng huyết áp. Bất kể bạn thuộc độ tuổi nào, 30 phút thể dục mỗi ngày sẽ giúp kiểm soát và không cho huyết áp tăng trở lại và luôn duy trì ở ngưỡng an toàn.
Ngoài ra, cần giảm muối (natri) trong khẩu phần ăn, hạn chế rượu bia; Cân bằng lại chế độ ăn uống, đảm bảo sử dụng những loại thức ăn thức uống lành mạnh sẽ làm giảm đi tình trạng tăng huyết áp.
Một chế độ dinh dưỡng giúp kiểm soát tăng huyết áp hợp lý sẽ bao gồm trái cây, hạt ngũ cốc, rau xanh; thực phẩm chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol. Một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp là thiếu ngủ dài ngày. Vì vậy hãy đảm bảo không để yếu tố nào làm gián đoạn giấc ngủ. Hãy đến gặp các chuyên gia y tế để tư vấn về tình trạng mất ngủ nếu cần thiết.
Khi thấy có biểu hiện nghi ngờ tăng huyết áp đột ngột hoặc đột quỵ cần xử trí đúng và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.
Để phát hiện sớm đột quỵ cần chú ý các biểu hiện sau: Bất ngờ có cảm giác tê liệt hoặc yếu ớt ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể; đột ngột bị lẫn lộn, gặp vấn đề trong việc nói và hiểu; đột ngột có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả 2 mắt; đột ngột có vấn đề trong việc đi lại, bị hoa mắt, mất thăng bằng hay mất khả năng kiểm soát sự di chuyển của cơ thể; đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy gọi cấp cứu y tế gần nhất ngay lập tức. Điều quan trọng là phải đến bệnh viện ngay. Phần nhiều bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện khi đã quá muộn nên di chứng để lại rất nặng nề, khó phục hồi, thậm chí tử vong. Trong khi đó, nếu bệnh nhân đến bệnh viện trước 3 giờ sau khi phát bệnh thì khả năng điều trị phục hồi rất cao.