Mệt mỏi, bị đau nhức xương khớp toàn thân là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Thời tiết tiếp tục thay đổi thất thường khiến cơ thể mệt mỏi rã rời, đau nhức xương khớp toàn thân ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày.
Có nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn bị đau nhức xương khớp toàn thân. Cơn đau mỏi khởi phát đột ngột và có thể lan tỏa khiến các hoạt động bình thường trở nên khó khăn hơn. Đôi khi cảm giác đau mỏi các khớp toàn thân có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh, nóng rát hoặc sưng tấy ở các khớp,...
Theo Medical News Today, có một số lý do gây đau nhức xương khớp toàn thân phổ biến mà bạn cần chú ý. Tùy theo từng nguyên nhân mà cách điều trị giảm đau mỏi xương khớp toàn thân sẽ khác nhau.
1. Cúm gây đau mỏi toàn thân và cơ bắp
Cúm là một bệnh truyền nhiễm phổ biến. Khác với bệnh cảm lạnh thông thường, người mắc bệnh cúm có thể bị đau nhức các cơ bắp và đau khớp toàn thân một đột ngột.
Các dấu hiệu bệnh cúm khác có thể kèm theo như: Sốt hoặc ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc bị nghẹt mũi, cảm thấy mệt mỏi, bị nôn mửa, tiêu chảy; trong đó nôn mửa và tiêu chảy là hai triệu chứng bệnh cúm ở trẻ em phổ biến.
Bệnh cúm thường tự khỏi trong 1 - 2 tuần và hầu hết bệnh nhân bị cúm không cần phải can thiệp điều trị y tế tại bệnh viện. Tuy vậy, người có hệ miễn dịch suy yếu, nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai có nguy cơ tiến triển bệnh cúm nặng hơn nên cần chú ý tới các dấu hiệu cúm nghiêm trọng.
2. COVID-19
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm từng là "cơn ám ảnh toàn cầu" về tỷ lệ lây nhiễm và số ca mắc trong cộng đồng. Mặc dù đặc trưng các chủng virus gây COVID-19 có thể khác nhau nhưng nhìn chung các triệu chứng COVID-19 phổ biến bao gồm: Đau khớp, đau nhức cơ thể, sốt hoặc ớn lạnh, đau đầu, ho, đau họng, hụt hơi, mất vị giác hoặc khứu giác đột ngột, nghẹt mũi hoặc bị chảy nước mũi, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy.
Các triệu chứng này sẽ có các mức độ từ nhẹ tới trung bình và tự khỏi mà không cần điều trị, trừ những trường hợp gặp các triệu chứng nghiêm trọng cần được điều trị tại bệnh viện. COVID-19 có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe như: Cục máu đông, suy tim, tổn thương gan hoặc thận hay hệ thần kinh.
3. Hội chứng hậu nhiễm virus gây đau nhức xương khớp toàn thân
Mặc dù các bệnh do nhiễm virus đường hô hấp thông thường có thể tự khỏi sau khoảng 10 ngày nhưng có một số triệu chứng bệnh có thể kéo dài hơn nhiều tuần, thậm chí tới cả tháng hoặc nhiều năm sau khi mắc bệnh ban đầu. Điều này có thể bao gồm cả mỏi các khớp toàn thân. Chẳng hạn:
- Hội chứng hậu nhiễm virus: Xảy ra sau một đợt nhiễm trùng virus cấp tính, mặc dù không phải ai cũng gặp phải hội chứng này nhưng nếu gặp phải, các triệu chứng kéo dài có thể gây khó chịu cho cơ thể, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Chẳng hạn như: Mệt mỏi kéo dài, đau nhức xương khớp toàn thân, khó tập trung, đau đầu.
- Hậu COVID:Hay còn cọi là COVID kéo dài đề cập tới những triệu chứng dai dẳng ở một số người tiếp tục phát triển sau COVID-19. Phạm vi hậu COVID tùy vào thể trạng từng người nhưng nhìn chung đó có thể là cảm giác đau mỏi cơ thể, khó tập trung, khó chịu sau khi gắng sức.
- Viêm khớp phản ứng:Hay còn gọi là bệnh viêm khớp vô khuẩn, được hiểu là tình trạng viêm ở khớp có liên quan tới một số cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như hệ tiết niệu, đường tiêu hóa và hệ sinh dục bị nhiễm trùng. Triệu chứng viêm khớp phản ứng có thể chỉ là những biểu hiện thoáng qua nhưng cũng có thể tiến triển tới nghiêm trọng với những cơn đau nhức xương khớp toàn thân, đặc biệt là cơn đau đầu gối, ở bàn chân, ở mắt cá chân và đau ở hông theo nhiều mức độ đau khác nhau. Ngoài đau nhức khớp thì người bệnh cũng có thể bị sưng ở các khớp đang bị viêm này.
4. Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Giống như hội chứng hậu nhiễm virus hay hậu COVID thì một người có thể bị mệt mỏi mãn tính khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng thiếu năng lượng, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ, sự khó khăn trong việc tập trung để ghi nhớ, đau nhức xương khớp toàn thân không có nguyên nhân rõ ràng hoặc kèm theo cảm giác khó ngủ, chóng mặt khi nhức dậy và các triệu chứng có thể tăng lên sau khi thực hiện các hoạt động tinh thần hoặc thể chất.
Không có thuốc chữa trị cụ thể cho hội chứng mệt mỏi mãn tính, bác sĩ sẽ tập trung vào việc giúp bệnh nhân kiểm soát năng lượng và giảm nhẹ các triệu chứng mà họ gặp phải.
5. Bệnh gout gây đau khớp nghiêm trọng
Gout là một loại đau khớp liên quan tới nồng độ axit uric trong máu tăng cao, thúc đẩy sự hình thành các tinh thể trong khớp và gây đau đớn kèm theo sưng tấy mỗi đợt cấp.
Các cơn đau do bệnh gout có thể xuất hiện một cách đột ngột và đạt đỉnh đau vào khoảng 12- 24 giờ sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Thông thường, bệnh gout chỉ gây ảnh hưởng tới xương khớp của một chi hoặc một khớp, chẳng hạn như ở một bàn chân hoặc bàn tay. Mặc dù cũng có những trường hợp một bệnh nhân bị gout ảnh hưởng tới đa khớp, nhưng điều này ít phổ biến hơn.
Cơn đau do bệnh gout được mô tả là cảm giác đau nhức dữ dội, nóng ấm ở khớp bị tổn thương. Những vùng viêm khớp này có thể kéo dài tới vài tuần rồi mới biến mất. Sau khi cơn đau giảm đi, có thể nhận thấy dấu hiệu bệnh Gout như bong tróc da hay ngứa, đau ở xung quanh khớp bị đau.
6. Một số tình trạng tự miễn có thể gây mỏi các khớp toàn thân
Đau nhức xương khớp toàn thân là bệnh gì? Các bệnh tự miễn có thể khiến hệ miễn dịch tấn công ngược lại các tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể, dẫn tới viêm nhiễm và đau đớn, trong đó có các mô khớp. Chẳng hạn:
- Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh lý viêm mãn tính ảnh hưởng tới các khớp trong cơ thể có thể dẫn tới đau nhức xương khớp toàn thân, cứng khớp và sưng tấy nếu nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu viêm khớp dạng thấp không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe xương khớp nghiêm trọng, dẫn tới suy giảm phạm vi chuyển động, tổn thương khớp vĩnh viễn,...
- Bệnh lupus ban đỏ:Tình trạng mãn tính này ảnh hưởng tới nhiều vùng cơ thể, bao gồm cả da, khớp, thận, não. Bệnh lupus có thể ảnh hưởng đến khớp thông qua việc gây ra viêm khớp, làm cho khớp sưng, đau và cứng. Các khớp thường hay bị ảnh hưởng bao gồm khớp tay, cổ tay và đầu gối. Trong một số trường hợp, viêm khớp do lupus có thể dẫn đến tổn thương mô liên kết và thậm chí là biến dạng khớp nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm khớp vảy nến:Cũng là một dạng viêm khớp biến chứng liên quan tới bệnh vẩy nến dẫn tới các cơn đau đớn và cứng khớp. Điều trị bệnh vẩy nến bao gồm nhiều phương pháp, bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu tập thể dục giúp giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các tổn thương khớp tăng nặng hơn.
Vậy khi nào đau nhức xương khớp toàn thân cần thăm khám bác sĩ?
Có thể thấy có nhiều nguyên nhân cho thấy đau nhức xương khớp toàn thân là bệnh gì. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào từng tình trạng, mức độ cơn đau của người bệnh.
Điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng đi kèm với các cơn đau mỏi khớp toàn thân là gì, đặc biệt là các cơn đau nhức xương khớp toàn thân kèm theo khó thở, môi và móng tay chuyển sang màu xanh tím, lú lẫn thậm chí ngất xỉu hoặc hôn mê, cơn đau tức ngực dữ dội đột ngột, dấu hiệu mất nước do nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài mà không bù được thông qua đường uống,...
Các dấu hiệu này có thể cảnh báo trường hợp cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, chẳng hạn một cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, nếu cơn đau mỏi cơ thể của bạn không được cải thiện thông qua việc nghỉ ngơi hay các biện pháp điều trị giảm nhẹ tại nhà, bạn cũng cần kiểm tra sớm tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời và chính xác.
Nguồn: Medical News Today