Để phim lịch sử tiếp cận khán giả trẻ
Cơn sốt 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' thời gian qua cho thấy giới trẻ không thờ ơ với phim lịch sử nếu nội dung hấp dẫn, cách tiếp cận mới mẻ. Điều này cũng minh chứng cho dư địa của dòng phim này còn rất lớn. Vấn đề là các nhà làm phim làm thế nào để phim lịch sử, cách mạng chạm đến trái tim khán giả trẻ, đó sẽ là cầu nối hữu hiệu nhất để đưa họ đến gần, hiểu và yêu hơn lịch sử nước nhà.
Khi phim lịch sử, cách mạng thoát khỏi lối mòn
Thực tế, điện ảnh Việt đã từng có những bộ phim về đề tài lịch sử, cách mạng hấp dẫn, được xếp vào list những bộ phim kinh điển. Những thước phim được sản xuất từ lâu nhưng đến bây giờ xúc động và hấp dẫn như “Sao tháng Tám”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Mùi cỏ cháy”, “Ván bài lật ngửa”... Tuy nhiên, mảng đề tài này bị ngắt quãng trong một thời gian dài do nhiều phim bị đóng khung vào mục tiêu tuyên truyền, khô cứng. Thậm chí, một thời gian dài, phim lịch sử, cách mạng bị “dán nhãn” là chỉ làm để “cúng cụ” rồi cất vào kho. Như bộ phim “Huyền sử vua Đinh”, dù được đầu tư tiền tỷ nhưng chỉ thu về 42 triệu đồng sau 1 tuần ra rạp.
Hay bộ phim “Quỳnh Hoa nhất dạ” về cuộc đời thái hậu Dương Vân Nga thời Đinh - Tiền Lê bị cộng đồng mạng phản ánh về những sai lệch trong tạo hình, phục trang của nhân vật. Hay trước đó, có những bộ phim nhà nước đặt hàng cũng đều làm xong để cất kho như “Sống cùng lịch sử”... Lý do là chất liệu lịch sử còn mang tính hàn lâm, nặng về tuyên truyền, hô hào nên chưa thu hút được giới trẻ. Trong khi đó lịch sử Việt Nam là một lịch sử sống động, có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều chất liệu để đạo diễn có thể sáng tạo nên những tác phẩm hấp dẫn.

Phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận, điện ảnh Việt Nam còn thiếu những tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử. “Đó cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim của nước ngoài. Bởi thực tế, những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của họ”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, việc làm phim lịch sử ở nước ta còn gặp nhiều thách thức. Các nhà làm phim Việt Nam đôi khi bị bó buộc quá nhiều vào nội dung gốc hoặc lịch sử dẫn đến thiếu sáng tạo. Để có tác phẩm hay, các nhà làm phim cần sáng tạo trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, đồng thời tin tưởng vào con đường sáng tạo của mình.
Trước thực tế đó, thời gian qua, các nhà làm phim Việt đã có nhiều nỗ lực đổi mới ở dòng phim cách mạng, lịch sử. Họ ứng dụng kỹ thuật quay phim hiện đại, thuê các chuyên gia nước ngoài, thậm chí gửi phim ra nước ngoài làm hậu kỳ, âm thanh sống động hơn, đặc biệt là câu chuyện cũng giảm bớt tính tuyên truyền, cổ động mà đi sâu vào cuộc đời, số phận. Tất cả đều hướng tới mục tiêu đưa những câu chuyện lịch sử trở nên gần gũi hơn với khán giả trẻ. Năm 2009, bộ phim “Đừng đốt”- câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm không chỉ gây xúc động mạnh mẽ mà con góp phần đưa hình ảnh người chiến sĩ cách mạng trở nên sống động hơn với thế hệ trẻ bằng một câu chuyện chân thực, nhiều cảm xúc.
Đầu năm 2024, bộ phim “Đào, phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, lấy bối cảnh Hà Nội mùa đông 1946 đã tạo ra cơn sốt phòng vé nhờ hiệu ứng truyền thông tích cực đã minh chứng rằng, phim lịch sử, cách mạng nếu được làm chỉn chu, hấp dẫn vẫn có thể thu hút khán giả. Lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ phim do nhà nước đặt hàng đã chủ động phát hành và thu về 20 tỷ đồng tiền vé. Đó là dấu mốc cho thấy tiềm năng thị trường khán giả của phim lịch sử nói riêng và phim Việt nói chung.
Và đặc biệt mới đây, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - khởi chiếu từ ngày 4/4 đến nay (theo Box Office Việt Nam) đã thu về hơn 160 tỷ đồng, vượt xa các phim nội và ngoại ra mắt cùng thời điểm. Thoát khỏi sự tuyên truyền khô cứng, bộ phim đã tái hiện khá chân thực không khí khốc liệt của cuộc chiến, tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm của đội du kích Củ Chi với hệ thống địa đạo - một hình thái chiến tranh nhân dân độc đáo. Địa đạo - một thế giới dưới lòng đất mà người dân đã đào bằng tay, bằng sức mạnh ý chí và niềm tin mãnh liệt.
Dư địa cho dòng phim lịch sử
Điều đáng mừng là hai bộ phim lịch sử “Đào, Phở và Piano” và “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” thu hút một lượng lớn khán giả trẻ. Sức hút của “Đào, phở và piano” bắt đầu từ review của một tiktoker có tên là Giao Cùn lan tỏa trên mạng xã hội, bộ phim tạo được làn sóng thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định: “Lịch sử phải “nhảy vào smarphone” để tiếp cận với giới trẻ, bởi cách tiêu dùng của thế hệ Gen Z đã thay đổi”. Chính tiktoker Giao Cùn cũng khẳng định rằng, sức hút của bộ phim cho thấy khán giả có nhu cầu xem phim lịch sử Việt Nam. Việc cô giới thiệu và kêu gọi” cộng đồng đi xem phim được ví như mồi lửa thổi bùng lên niềm yêu thích và khát khao muốn được xem những bộ phim hay về lịch sử nước nhà.

Phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” hấp dẫn khán giả trẻ.
Và đến “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã phá vỡ định kiến đề tài chiến tranh là khô khan, trở thành hiện tượng được khán giả trẻ săn đón. Không giống các phim chiến tranh truyền thống với những trận đánh hoành tráng hay bài học lịch sử nặng nề, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” chọn cách kể chuyện gần gũi, tập trung vào khía cạnh con người. Tình đồng đội, tình yêu và những khoảnh khắc đời thường giữa khói lửa được khắc họa tinh tế, khiến khán giả trẻ dễ dàng đồng cảm.
Một bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội: "Xem “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, mình không cảm thấy đang xem phim lịch sử, mà như đang chứng kiến câu chuyện của những người trẻ giống mình, chỉ là ở một thời đại khác". Ngoài ra, sự chuyên nghiệp trong khâu sản xuất của ê kíp cùng dàn diễn viên xuất sắc đã đưa “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” trở thành một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ, phù hợp thị hiếu của giới trẻ. Đây được xem là bước ngoặt chứng minh rằng khi lịch sử được kể bằng ngôn ngữ hiện đại, nó dễ dàng tiếp cận và trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ ngày nay.
Tuy nhiên, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” không thể thành công về doanh thu như hiện nay nếu không có một chiến lược truyền thông bài bản. Đó là trong những ngày đầu phát hành, những review của các nghệ sĩ, người nổi tiếng đã tạo nên một con sốt mang tên “Địa đạo” từ trên mạng xã hội đến phòng vé. Có thể nói, ngoài việc làm ra một bộ phim chất lượng thì khâu quảng bá cũng quan trọng không kém.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng: “Chất lượng là điều kiện cần, quảng bá là điều kiện đủ để một bộ phim ra rạp thành công. Tuy nhiên, suy cho cùng, có làm nên chuyện hay không thì việc đầu tiên và cốt yếu vẫn là chất lượng”. Đó cũng là con đường để phim Việt tiếp cận với giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, có thể đưa phim lên các nền tảng như YouTube, TikTok, Netflix, Galaxy Play hay VieOn cũng sẽ giúp giới trẻ tiếp cận dễ dàng hơn. Có thể chọn ra những phân đoạn, cảnh phim, đoạn clip ngắn... đầy cảm xúc, chứa đựng thông điệp rõ ràng, để lan tỏa trong cộng đồng mạng.
Vào dịp 2/9 tới, bộ phim “Mưa đỏ” của đạo diễn Đặng Thái Huyền kể về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị sẽ ra mắt khán giả. Không chỉ mang đến những cảnh quay hoành tráng, dữ dội của chiến tranh, “Mưa đỏ” còn ghi dấu với những phân cảnh xúc động trong hầm mổ hay trạm phẫu tiền phương. Ở đó, các diễn viên, ê kíp làm phim như được sống lại những khoảng khắc sinh tử của chiến trường. Những giọt nước mắt của các nhân vật, nỗi đau khi chứng kiến đồng đội hy sinh đã khắc sâu giá trị của hòa bình và sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha ông.
Bộ phim được Điện ảnh Quân đội đầu tư công phu, kỹ lưỡng hứa hẹn sẽ thành công về doanh thu. Đó là những tín hiệu đáng mừng, khai mở rộng hơn lối đi cho dòng phim lịch sử, cách mạng, một dòng phim rất cần trong đời sống điện ảnh nước nhà để cân bằng với những cơn sốt của phim giải trí. Hơn nữa, phim lịch sử, cách mạng là cầu nối hữu hiệu, chân thực nhất đưa khán giả trẻ đến với lịch sử đất nước, để họ hiểu và yêu hơn đất nước mình. Những bộ phim cách mạng, nếu được kể bằng ngôn ngữ đương đại, có thể khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy người trẻ không ngừng phấn đấu để đưa hình ảnh đất nước ra thế giới.